Báo cáo mới đây của Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết tổng doanh thu trong năm 2022 đạt hơn 1.200 tỷ đồng, giảm khoảng 60% so với năm 2021 và chỉ bằng một nửa so với kế hoạch đặt ra. Tuy nhiên, lợi nhuận lại lập kỷ lục với 165 tỷ đồng. Mức lãi này tăng hơn 36% so với năm trước đó và vượt kế hoạch năm khoảng 24%.
Đây là năm thứ hai liên tiếp, VAMC đạt lợi nhuận trăm tỷ. So với 2017 – thời điểm bắt đầu triển khai hoạt động mua bán nợ theo giá trị thị trường, mức lãi trên đã tăng gấp 10 lần sau nhiều năm liên tục tích lũy thêm lợi nhuận.
VAMC là một doanh nghiệp đặc thù ra đời cuối tháng 5/2013 từ phê duyệt của Thủ tướng và hoạt động trong lĩnh vực xử lý nợ xấu. Công ty có nhiệm vụ trở thành công cụ đặc biệt của Nhà nước góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế.
Những ngày đầu, VAMC được giao mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng về mức an toàn. Công ty thực hiện mua bán, xử lý nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt. Từ năm 2017, VAMC bắt đầu triển khai hoạt động mua bán nợ theo giá trị thị trường. Đến cuối tháng 5, công ty mua được 400 khoản nợ với giá gần 13.000 tỷ đồng.
Nhờ hoạt động mua bán nợ theo giá trị thị trường, tình hình tài chính của VAMC cũng thay đổi. Giai đoạn 2016 trở về trước, công ty chỉ có nguồn thu từ phí quản lý, thu hồi nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt và không có lợi nhuận. Từ năm 2017, VAMC cân đối được thu chi và có lợi nhuận ngày càng cao, không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu.
Cũng trong năm 2017, doanh nghiệp này được tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ lên 2.000 tỷ đồng. Tới năm 2019, vốn điều lệ được nâng lên 5.000 tỷ đồng, định hướng trong thời gian tới sẽ đạt 10.000 tỷ đồng để nâng cao năng lực và hiệu quả trong hoạt động xử lý nợ theo giá trị thị trường.
Ban lãnh đạo cho biết hoạt động kinh doanh thời gian qua có nhiều thuận lợi. Trước hết, kết quả xử lý và thu hồi nợ của VAMC từ khi Nghị quyết 42/2017 có hiệu lực đến nay chiếm 66% tổng giá trị thu hồi nợ. Từ năm 2018 – năm đầu tiên công ty thực hiện đấu giá, đến nay đã có 22 tài sản đảm bảo được đấu giá thành công với tổng số tiền hơn 2.500 tỷ đồng. Công ty đang hợp tác toàn diện với BIDV, Vietinbank, Agribank, Sacombank, PVCombank, NamABank và SGBank.
Tuy nhiên, công ty này cũng gặp khó khi Thông tư 01/2020 làm thay đổi kế hoạch bán nợ của các tổ chức tín dụng do đã kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh room tín dụng vào cuối năm ngoái cũng tác động đến nhu cầu bán nợ thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt, giảm so với các năm trước. Ngoài ra, VAMC gặp khó trong việc tìm kiếm các nhà đầu tư quan tâm mua tài sản đảm bảo hoặc khoản nợ và kế hoạch trả nợ của khách hàng khi tình hình kinh tế vĩ mô có nhiều biến động.
Trong năm nay, VAMC dự kiến mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt tối đa 12.000 tỷ đồng (giá mua nợ), mua nợ xấu theo giá trị thị trường hơn 2.700 tỷ đồng và xử lý thu hồi nợ đạt 14.000 tỷ đồng (dư nợ gốc).
Theo VNExpress