Xanh hóa nền kinh tế là sự dịch chuyển nền kinh tế sang mô hình phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, là chặng đường chuyển đổi tư duy và chính sách toàn diện, cần có lộ trình cụ thể và huy động nguồn lực lớn.
Việt Nam là quốc gia đang phát triển đầu tiên đưa ra những cam kết mạnh mẽ về vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng xanh đến nay chưa được khai thông hiệu quả.
Để hiện thực hóa tiềm năng của quốc gia về xanh hóa nền kinh tế, nguồn lực nhà nước sẽ đóng vai trò định hướng cho thúc đẩy tăng trưởng xanh, qua đó dẫn dắt và thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài. Trong đó, kinh nghiệm và nguồn lực của các tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia, các quỹ đầu tư lớn trên thế giới là cần thiết và quan trọng, nhằm thúc đẩy đầu tư vào các ngành, lĩnh vực đóng góp cho phát triển bền vững, như: kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, tài chính xanh.
Trong buổi tọa đàm với các tập đoàn đa quốc gia và các quỹ đầu tư lớn trên thế giới tại Singapore, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng các quỹ đầu tư cần thể hiện vai trò tiên phong trong việc kết nối, giới thiệu đối tác đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp tài chính xanh để hỗ trợ Việt Nam nâng cao tính ổn định và bổ trợ của hệ thống tài chính, hiện thực hóa các mục tiêu đã đặt ra tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh từ nay đến năm 2030.
ESG đang dần trở thành một trong những thước đo tiêu chuẩn để đánh giá và quản lý các hoạt động đầu tư trên toàn cầu. Tuy nhiên, khái niệm này ở Việt Nam còn khá mới lạ với cộng đồng doanh nghiệp. Báo cáo “Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022” do PwC và VIOD thực hiện cho thấy 71% doanh nghiệp Việt chưa trang bị kiến thức về các dữ liệu cần thiết để xây dựng báo cáo ESG.
Ngân hàng Thế giới (WB) trong Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển đánh giá rằng, là một trong những thị trường mới nổi năng động, Việt Nam phải đối mặt với những rủi ro ngày một nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, đe dọa mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. Theo đó, 100 triệu người dân Việt Nam nằm trong nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước sự tàn phá của biến đổi khí hậu.
WB ước tính, từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần lượng vốn đầu tư khoảng 370 tỉ USD (tương đương khoảng 6,8% GDP/năm) để triển khai đồng thời lộ trình chống chịu với biến đổi khí hậu và trung hòa phát thải carbon. Vì vậy, sự chung sức của các quỹ đầu tư là chìa khóa quan trọng để hành trình xanh hóa của chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và tất cả người dân.
Đề xuất giải pháp, Phó Giáo sư Hao Liang – Giám đốc Trung tâm tài chính xanh của Đại học Quản lý Singapore (SMU)- khuyến nghị Chính phủ phát hành trái phiếu GSS (Green, Social & Sustainability) như kinh nghiệm nhiều nước. Tính đến tháng 6 năm 2022, thị trường trái phiếu GSS toàn cầu đạt 3,3 nghìn tỷ đô la Mỹ; trong khi đó việc phát hành trái phiếu GSS ở Việt Nam vẫn còn rất ít. Ngoài ra, nhằm tăng cường đầu tư ESG vào Việt Nam thì còn cần nhiều biện pháp song song khác như tăng cường khung pháp lý, nâng cao nhận thức, xây dựng hệ sinh thái bổ trợ cũng như tích cực hợp tác trong khu vực.
Chia sẻ về vai trò của quỹ đầu tư trong việc kêu gọi đầu tư ESG vào Việt Nam, đại diện VinaCapital cho biết, Việt Nam có đầy đủ tiềm lực để hiện thực hóa tiểm năng của quốc gia về năng lượng xanh. Đầu tư ESG song song với đảm bảo tối ưu hóa chi phí đầu tư là rất quan trọng để hiện thực hóa tiềm năng này, từ đó có thể thúc đẩy các sáng kiến quan trọng khác về chuyển đổi số và hạ tầng.
“Xanh hóa nền kinh tế, phát triển bền vững là xu thế tất yếu cần có vai trò tiên phong của các quỹ đầu tư. Với cam kết của tập đoàn trong việc thu hút đầu tư vào Việt Nam, VinaCapital đã và đang tích cực làm cầu nối quảng bá tiềm năng và thành quả của Việt Nam đến với các nhà đầu tư quốc tế quan tâm đến lĩnh vực ESG”, đại diện VinaCapital chia sẻ.
(Theo Tuấn Lâm – VNexpress)