(ĐCSVN) – Dù kết quả xử lý nợ xấu thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đã đạt kết quả tích cực nhưng thực tế cho thấy, kết quả này chưa thật sự vững chắc, và nền kinh tế với thực trạng nợ xấu hiện nay vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Không chỉ vậy, việc giải quyết vấn đề phá sản còn quá chậm chạp cũng là rào cản đối với xử lý nợ xấu khi doanh nghiệp không chịu phát mãi tài sản, thanh lý tài sản nên không có nguồn lực để trả nợ.
Ngày 16/6/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc thông qua nội dung của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV. Trong đó, Quốc hội giao cho Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các nội dung của Nghị quyết số 42/2017/QH14, đồng thời sửa đổi bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng.
Qua quá trình nghiên cứu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận thấy, cần luật hóa toàn bộ nội dung của Nghị quyết số 42/2017/QH14. Ngoài ra, cũng cần bổ sung sửa đổi một số nội dung như quyền sử lý tài sản bảo đảm của các dự án là bất động sản; quyền thu giữ tài sản bảo đảm; áp dụng thủ tục rút gọn… cho phù hợp hơn với tình hình thực tế.
Bởi theo báo cáo Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của Chính phủ gửi Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 tại thời điểm ngày 15/8/2017 là 541,6 nghìn tỷ đồng. Nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực tính đến 31/12/2021 là 251,3 nghìn tỷ đồng. Nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 chưa được xử lý đến ngày 31/12/2021 là 412,67 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 tại thời điểm 15/8/2017 và số nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết số 42/2017/QH14 có hiệu lực. Tính trung bình nợ xấu đã xử lý đạt khoảng 5,67 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn mức trung bình 3,25 nghìn tỷ đồng/tháng trong giai đoạn trước khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 có hiệu lực (từ năm 2012 – 2017).
Đưa ra nhận định chung về kết quả thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu, từ khi có hiệu lực thi hành, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, Nghị quyết đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện định hướng, chính sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, qua đó củng cố niềm tin của xã hội đối với công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng; đóng góp quan trọng vào kết quả cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020. Trong thời gian áp dụng Nghị quyết, việc xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng có nhiều tiến triển, nhất là nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14. Tuy nhiên, kết quả xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc, thực trạng nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro; một số biện pháp áp dụng theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 chưa phát huy hiệu quả.
Đặc biệt, đối với nợ xấu nói chung, xử lý bằng dự phòng rủi ro còn chiếm tỷ lệ cao; một số lĩnh vực có số nợ xấu chiếm tỷ trọng cao so nợ xấu của toàn hệ thống. Do đó, cần phân tích rõ hơn nguyên nhân dẫn đến số nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 đến nay còn ở mức khá cao và có xu hướng gia tăng; các giải pháp đã triển khai thực hiện để nhận diện cũng như kiểm soát rủi ro đối với các khoản cho vay, nhất là các khoản thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.
Bên cạnh đó, trước áp lực nợ xấu của các tổ chức tín dụng dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ, Ngân hàng nhà nước có các giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng vào khu vực sản xuất, kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng “nóng” vào các tài sản tiềm ẩn rủi ro cao, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động cho vay, đầu tư vào các tài sản này.
Đứng dưới góc độ ngân hàng thương mại trực tiếp xử lý nợ xấu, một số ý kiến chỉ ra hai vướng mắc lớn cần được tháo gỡ sau 5 năm thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14, đó là quyền thu giữ tài sản bảo đảm và việc bán nợ xấu, tài sản bảo đảm. Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Việt Hưng, Phó trưởng Ban Pháp chế của Agribank đã thẳng thắn chỉ rõ, có không ít bất cập trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo trên thực tế. Cụ thể, hiện nay quy định về thu giữ tài sản bảo đảm còn phân tán ở nhiều văn bản khác nhau như Luật Dân sự và Nghị quyết số 42/2017/QH14. Điều này gây ra chồng chéo, gây khó cho quá trình thực hiện. Vì vậy, nên có luật hoá các vấn đề về thu giữ tài sản bảo đảm để quá trình này được diễn ra thông thoáng, không phụ thuộc vào luật khác cũng như các nội dung đã thỏa thuận tại hợp đồng bảo đảm.
Mặt khác, hiện chưa có hướng dẫn về cơ chế xác định tài sản nào đang tranh chấp, tài sản nào đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau, gây khó khăn khi áp dụng quy định về thu giữ tài sản theo Nghị quyết số 42/2017/QH14. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện thực tế, phía ngân hàng cũng gặp vướng mắc do ngôn ngữ sử dụng trong các văn bản pháp luật còn chưa rõ ràng, dễ gây hiểu lầm, gây tranh cãi, tranh luận cũng như việc áp dụng, hiểu biết khác nhau của các cơ quan tổ chức có liên quan trong xử lý tài sản bảo đảm.
Chia sẻ về những khó khăn nêu trên, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết thêm, có một thực trạng là tài sản bảo đảm khó bán hoặc không bán được. Một trong những rào cản hiện nay là quy định không cho phép lần bán sau thấp hơn lần bán trước bao nhiêu phần trăm. Định giá cũng rất phức tạp. Định giá nợ xấu rồi định giá tài sản bảo đảm, định giá những tài sản khác gắn với nợ xấu còn chưa nhất quán giữa các công ty định giá với nhau. Và cơ bản hiện nay Việt Nam cũng chưa có nhiều công ty định giá có năng lực để làm những việc này.
Không chỉ vậy, ở Việt Nam, còn có một thực trạng nữa là việc giải quyết phá sản quá chậm chạp. Đây cũng là rào cản đối với xử lý nợ xấu khi doanh nghiệp không chịu phát mãi tài sản, thanh lý tài sản nên không có nguồn lực để trả nợ.
Trong khi đó, thực tế minh chứng, muốn xử lý nợ xấu tốt thì khung khổ pháp luật giải quyết phá sản doanh nghiệp ở Việt Nam phải tốt hơn và cần có sự nhất quán giữa các cơ quan nhà nước trong xử lý nợ xấu. Đơn cử, liên quan đến thứ tự dùng tiền nợ thu hồi. Cơ quan thuế thì cho rằng phải thu thuế trước, bên ngân hàng thì cho rằng phải thu nợ trước. Hơn thế, thủ tục rút gọn từng được kỳ vọng là đột phá trong xử lý nợ xấu nhưng trong suốt nhiều năm qua, chỉ có hai đến ba hồ sơ được xử lý theo dạng này. Đây cũng là hạn chế cần tháo gỡ trong thời gian tới.
Thiết nghĩ, đã đến lúc, Chính phủ và các cơ quan liên quan cần quyết liệt luật hóa toàn bộ nội dung của Nghị quyết số 42/2017/QH14 và xây dựng một thị trường mua bán nợ đúng nghĩa. Và đương nhiên, trong khung khổ pháp lý phù hợp thực tế và khả thi hơn, trên thị trường mua bán nợ này sẽ có thể mua bán cả nợ xấu lẫn nợ bình thường. Bởi chỉ có như vậy, mới tăng được thanh khoản và thu hút tiền của nhà đầu tư. Và cũng chỉ có vậy mới có thể giải quyết rứt điểm nợ xấu và giải tỏa mối lo về những rủi ro tiềm ẩn./.
(Theo Minh Phương – dangcongsan.vn)