Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa cho phép các ngân hàng thương mại được phép mua bán, làm sạch các khoản nợ xấu, nhằm ổn định thị trường tài chính.
Vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và của doanh nghiệp, và cả nền kinh tế đang ở mức báo động. Con số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động tăng thêm mỗi ngày đã nói lên điều đó. NHNN đã cho phép 14 ngân hàng được mua bán nợ xấu của doanh nghiệp và yêu cầu các ngân hàng này xem xét cho vay với các dự án lớn có hiệu quả.
Các ngân hàng tham gia “phi vụ” này đều là những ngân hàng lớn, như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và 13 ngân hàng thương mại cổ phần gồm: Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Công thương Việt Nam, Ngoại thương Việt Nam, Á Châu, Xuất nhập khẩu, Sài gòn Thương tín, Kỹ thương, Quân đội…
Tuy nhiên, cái khó nhất của chính các ngân hàng tham gia tháo gỡ khó khăn trong hoạt động tín dụng cũng đang vấp phải nhiều khoản nợ xấu đang tăng hàng ngày mà chưa biết xử lý ra sao? Và các món nợ mới sẽ được tính và phân loại theo nhóm nào khi món vay cũ vẫn đang là nợ xấu?
Ở đây, có một vướng mắc là chủ nợ mới sẽ cơ cấu lại khoản nợ xấu cũ như thế nào và tiếp tục cho vay ra sao khi nó từng được gọi là nợ xấu? Theo quy chế phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro hiện nay, tất cả các khoản nợ mới nối tiếp khoản nợ cũ thì phải phân loại theo nhóm nợ cũ.
Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank, cho rằng khi triển khai chủ trương mua bán nợ, ngân hàng bán nợ thu được tiền và thoát khỏi vùng ách tắc vốn, còn với ngân hàng mua nợ, dĩ nhiên bỏ ra một khoản tiền chịu thiệt trước mắt, nhưng nhờ tiềm lực mạnh hơn, họ sẽ hưởng lợi nhuận kỳ vọng trong tương lai.
Theo phân tích của ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, thì chỉ có Chính phủ mới có thể xử lý, cứu được các khoản nợ xấu của doanh nghiệp. “Chính phủ có thể bỏ ra vài tỷ USD mua lại các khoản nợ xấu của doanh nghiệp, làm lành mạnh hóa bảng cân đối tài sản của doanh nghiệp nhằm khơi thông dòng tín dụng từ hệ thống ngân hàng”, ông Nghĩa nói.
Chính phủ cũng từng khuyến khích các tổ chức tín dụng bán lại các khoản nợ xấu cho Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) của Bộ Tài chính. Vấn đề là các khoản nợ được mua, bán có đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo đời sống của người lao động hay không. Đây là bước đầu để tạo lập một thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam, thúc đẩy các định chế tài chính tham gia lành mạnh hóa tài chính.
Trên thế giới, thị trường mua bán nợ xấu ngân hàng phát triển khá rôm rả. Các nước này có những công ty chuyên mua bán nợ xấu, hoạt động rất chuyên nghiệp. Theo Ts. Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, thì ngoài mua bán nợ phải thực hiện các chiến lược kinh doanh, sản xuất sao cho hiệu quả. Mặt khác phải quy trách nhiệm cho những người gây ra nợ xấu cần phải được xử lý theo đúng luật pháp.
Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, các ngân hàng rất khó có thể duy trì mức nợ xấu dưới 1% hay 1,5%. Và tình hình nợ xấu của doanh nghiệp sẽ tác động xấu đến ngân hàng. Tuy nhiên, người mua nợ cũng phải tính toán, phải thấy có lợi thì mới mua. “Với các doanh nghiệp nên khuyến khích đi huy động các nguồn vốn khác để hoàn trả rồi sẽ được cho vay mới với lãi suất thấp hơn. Nếu không cứu được doanh nghiệp mà để họ chết hết thì ngân hàng cũng sẽ tiêu”, ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chia sẻ.
Mặc dù xử lý nợ xấu thông qua mua bán nợ, nhưng thực tế chưa có các tiêu chí để kiểm soát, quản trị các rủi ro này. Tuy nhiên, điều quan trọng là hiệu quả kinh tế phải được đặt lên hàng đầu, mọi phương án kinh doanh mua bán nợ và tái cấu trúc doanh nghiệp phải được nghiên cứu kỹ để đảm bảo đạt được hiệu quả cao nhất, nếu không sẽ tiếp tục phá sản hàng loạt.
Trường hợp của DATC sau khi trở thành cổ đông đã thực hiện các giải pháp tái cấu trúc doanh nghiệp như xóa một phần nợ và lãi, hoãn trả nợ, thay đổi thời gian trả nợ, hỗ trợ về thị trường, quản trị, hỗ trợ về tài chính như cho vay, bảo lãnh… nhằm phục hồi kinh doanh có lãi.
Tuy nhiên, do tiến trình đàm phán mua nợ, thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp thường kéo dài, nên DATC từng phải đối mặt, hứng chịu rủi ro về số nợ tăng nhanh ngoài dự đoán của doanh nghiệp. Vì vậy, việc mua nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp khó khăn thêm gấp bội. Đơn cử như trường hợp Công ty Cafe Buôn Mê Thuột với nợ đọng lên tới hàng nghìn tỷ đồng hay HTX cà phê Đức Lập gần như phá sản phải vận dụng đến “chiêu” bán thương hiệu để được vay vốn ngân hàng. Đây là 2 doanh nghiệp mà DATC đã và đang lên phương án mua lại nợ và tài sản. Mới gần đây nhất là Công ty cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco), được DATC đặt vấn đề mua lại các khoản nợ của nông dân để hỗ trợ tái cơ cấu, phục hồi sản xuất kinh doanh.