Tăng cường tín dụng xanh, chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng

Tại các phiên thảo luận trong sự kiện Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2023 ngày 19/3, đại diện các hiệp hội và nhóm công tác đã nêu một số vấn đề và đề xuất liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.


Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu tại diễn đàn

Thúc đẩy khuôn khổ tài chính xanh

Cụ thể, bà Michele We (Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam), Trưởng Nhóm công tác ngân hàng (BWG) nhận định, các thách thức của năm 2023 đối với nền kinh tế Việt Nam đến từ những bất định bên ngoài (các cú sốc địa chính trị và kinh tế; lạm phát gia tăng trên quy mô toàn cầu và thắt chặt tiền tệ…). Trong nước, áp lực lạm phát cũng gia tăng; các tác động từ các biến động trên thị trường tài chính và bất động sản ảnh hưởng tới chất lượng tài sản, thanh khoản, nhu cầu tín dụng so với rủi ro và kiểm soát tỷ lệ an toàn của ngân hàng…

C:\Users\User\Documents\Thang3\Tailieu\VBF\Phiencapcao\img7367-16791980436941905994312.jpg

Bà Michele We (Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam), Trưởng Nhóm công tác ngân hàng (BWG)

Đối với kế hoạch chuyển đổi số và cam kết bền vững của Việt Nam, sẽ cần đến định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc xây dựng Chính phủ điện tử và chương trình chuyển đổi số quốc gia; sự hỗ trợ của các tổ chức tín dụng và các cam kết tài trợ tài chính bền vững; xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường và xã hội với các nội dung môi trường xanh được lồng ghép trong quy trình thẩm định tín dụng và quy trình – sổ tay quản lý/kiểm soát rủi ro ESG; huy động vốn và nguồn lực cho phát triển bền vững tại Việt Nam.

Để thực hiện những mục tiêu này, BWG khuyến nghị Việt Nam cần lộ trình nhanh chóng để áp dụng năng lượng xanh và khuôn khổ tài chính xanh phù hợp cho các dự án có khả năng vay vốn ngân hàng thông qua các hành động như: Phát triển các công cụ tài chính chuyển tiếp, chuẩn bị cho báo cáo môi trường – quản trị – xã hội (ESG); bắt đầu chuyển đổi danh mục đầu tư, các yếu tố trong quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng mong muốn Chính phủ thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính, hỗ trợ tài trợ chuyển đổi với một số khuyến nghị như hướng dẫn chi tiết hơn về định nghĩa xanh, tiêu chí đánh giá – tiêu chuẩn báo cáo, phát triển thị trường trái phiếu xanh; đòn bẩy về tài chính hỗn hợp. Điều này có nghĩa là Quy hoạch Điện 8 cần cung cấp lộ trình rõ ràng của các dự án, một chính sách cụ thể về đảm bảo tỷ giá hối đoái, khả năng tài trợ năng lượng nhiều hơn đáng kể và Hợp đồng mua bán điện đạt tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng.

Việt Nam cũng cần phối hợp làm việc giữa các bộ ngành với Nhóm các nước đối tác quốc tế (IPG) và Liên minh tài chính Glasgow cho Net Zero (GFANZ) dưới sự bảo trợ của Thỏa thuận Hợp tác Chuyển dịch Năng lượng Bình đẳng (JETP) trong Kế hoạch huy động nguồn lực cho Việt Nam.

Nhóm công tác ngân hàng cũng đóng góp một số kiến nghị cụ thể: Một là, Việt Nam cần nỗ lực gấp đôi để đẩy mạnh triển khai số hóa gắn với Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử và chương trình chuyển đổi số hướng tới tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu.

Việc đồng bộ hóa các quy định cũng đặc biệt quan trọng để thúc đẩy toàn diện quá trình số hóa, đòi hỏi sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý để hoàn thiện khung pháp lý quản lý rủi ro liên quan đến an ninh mạng, định danh điện tử, xác thực điện tử, giao dịch điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân, ưu tiên cho phép thực hiện toàn bộ quy trình định danh eKYC, công nhận chữ ký điện tử/định danh điện tử trong các thủ tục pháp lý và nghĩa vụ lưu trữ dữ liệu cụ thể.

Hai là, về tăng trưởng xanh, ngành tài chính – ngân hàng phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp hướng tới thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam. Tiến trình này sẽ tăng tốc khi các đối tác trong khuôn khổ JETP tiếp tục làm việc để tạo điều kiện lưu chuyển dòng tài chính khu vực tư nhân.

Ba là, đối với lĩnh vực bất động sản/thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Các dấu hiệu suy yếu trong tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã đặt ra một thách thức đối với các doanh nghiệp bất động sản trong việc huy động vốn và có thể dẫn đến biến động hệ thống tài chính trong ngắn hạn. Do đó, Chính phủ cần đề ra một kế hoạch phục hồi thị trường với sự hỗ trợ của Bộ Tài chính và NHNN để bảo đảm hoạt động an toàn của hệ thống tài chính.

Liên quan đến động lực tăng trưởng trong năm nay bà Michele We lưu ý, mặc dù lạm phát của Việt Nam đã được kiểm soát cho đến nay, những áp lực về giá cả vẫn là một thách thức lớn trong năm 2023 do tác động từ những yếu tố ảnh hưởng đến lượng cầu. “Do đó, chúng tôi kiến nghị NHNN luôn thận trọng với lạm phát, sự suy yếu của đồng nội tệ (VND) và các dấu hiệu bất ổn tài chính, cùng với mục tiêu tăng trưởng tín dụng phù hợp, tập trung cho đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng”, Trưởng Nhóm công tác ngân hàng (BWG) để xuất và cho biết mong muốn NHNN phân bổ tín dụng hợp lý để đảm bảo nhu cầu của các ngân hàng cũng như đáp ứng việc tiêu dùng của người dân.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ để xử lý các vấn đề liên quan

Tiếp nhận và phản hồi các ý kiến của cộng đồng DN, đặc biệt là Nhóm công tác ngân hàng (BWG) thuộc VBF tại Diễn đàn VBF 2023, ông Phạm Tiến Dũng – Phó Thống đốc NHNN trân trọng cảm ơn các tổ chức quốc tế đã hợp tác hỗ trợ trong thời gian vừa qua. Đặc biệt là các vấn đề mới trong điều hành chính sách tiền tệ, trong phát triển đồng tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương, các hoạt động giúp đỡ Việt Nam như phòng chống rửa tiền, hoạt động thanh toán, Fintech…

C:\Users\User\Documents\Thang3\Tailieu\VBF\Phiencapcao\img7372-16791995394291704741526.jpg

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phản hồi các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp

Về các vấn đề liên quan đối với Ngành, Phó Thống đốc NHNN cho biết đã nhận được 34 kiến nghị của BWG. Trong đó, có 12 kiến nghị đã được xử lý xong; 9 kiến nghị liên quan đến các bộ, ngành hiện NHNN đang phối hợp xử lý; và 13 kiến nghị NHNN đã làm việc trực tiếp với BWG và đang tích cực xử lý.

Trong đó, đặc biệt lưu tâm đến vấn đề BWG có nêu là chuyển đối số. Đây là vấn đề được Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm và chỉ đạo trong suốt thời gian vừa qua. Ngành ngân hàng là ngành đầu tiên ban hành thông tư về eKYC về xác thực điện tử. Đây là chìa khóa để thực hiện chuyển đổi số và thực hiện ngân hàng số.

NHNN đã ban hành thông tư về bảo lãnh điện tử và sắp tới đây, Thống đốc cũng chỉ đạo về việc cho vay trên môi trường điện tử – đây là vấn đề mà các ngân hàng khá quan tâm. “Chúng tôi đang phối hợp với các bộ, ngành xử lý vấn đề giao dịch điện tử, chữ ký điện tử cho hoạt động ngân hàng và hy vọng sẽ thu được kết quả tích cực đáp ứng được các yêu cầu của các ngân hàng. Chúng ta biết rằng, nhiều ngân hàng hiện nay đã đưa được trên 90% giao dịch hoạt động trên nền tảng số”, Phó Thống đốc cho biết.

Liên quan đến tín dụng xanh, Thống đốc NHNN đã có chỉ thị nêu rõ tập trung xây dựng cơ sở pháp lý để phát triển tín dụng xanh, xây dựng kế hoạch hành động của ngành ngân hàng để triển khai Chiến lược quốc gia về tín dụng xanh. Trong đó, ưu tiên tập trung vào việc phối hợp với các tổ chức quốc tế để huy động các nguồn vốn quốc tế hỗ trợ phát triển tín dụng xanh.

Về điều hành chính sách tiền tệ, vừa qua NHNN đã ban hành quyết định hạ lãi suất điều hành xuống 1% và hạ lãi suất cho vay qua đêm 1%. Đây là một tín hiệu khá tốt với thị trường. Thông qua việc hạ lãi suất này, nhiều ngân hàng đã hạ lãi suất huy động và chúng ta thấy có cơ sở để hạ lãi suất cho vay, tạo điều kiện tốt cho phát triển sản xuất kinh doanh.

Đối với vấn đề tín dụng, Thống đốc NHNN có chỉ thị ưu tiên cấp tín dụng cho những lĩnh vực ưu tiên, trong đó có tín dụng xanh. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, NHNN sẽ cố gắng đáp ứng tốt nhất về vốn ngân hàng cho các hoạt động phát triển kinh tế.

“Đấy là các vấn đề lớn, còn các vấn đề các ngân hàng và BWG quan tâm thì chúng tôi cam kết trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để xử lý các vấn đề liên quan trực tiếp đến Ngành ngân hàng và phối hợp với các bộ, ngành để xử lý các vấn đề liên quan”, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nói và dẫn chứng về hợp đồng điện tử – một trong những nội dung tác động khá lớn đến ngân hàng. Vấn đề này hiện NHNN, Hiệp hội Ngân hàng và Nhóm BWG thường xuyên làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Khoa học công nghệ của Quốc hội để bàn bạc, trao đổi để đi đến thống nhất.

C:\Users\User\Documents\Thang3\Tailieu\VBF\NHNN\IMGL3007.JPG

Lãnh đạo NHNN nhận kỷ niệm chương kỷ niệm 25 năm thành lập Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF)

Năm nay, VBF tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập và hợp tác đồng hành cùng Việt Nam, Chủ tịch VBF đã trao kỷ niệm chương cho đại diện Lãnh đạo các Bộ ngành liên quan. Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng đã thay mặt NHNN nhận kỷ niệm chương kỷ niệm 25 năm thành lập Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF).

(Theo sbv.gov.vn)