Tham dự tọa đàm có có ông Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cùng đại diện lãnh đạo 38 trường đại học khắp cả nước chuyên đào tạo về lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.
Theo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, hiện nay, nguồn nhân lực nông nghiệp còn thiếu và yếu khi phần lớn là người cao tuổi, sản xuất cá thể và dựa vào kinh nghiệm là chính. Tỉ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên của ngành nông lâm ngư đã qua đào tạo nghề là 4,6% (năm 2020).
“Chính những hạn chế, bất cập trên nên khó thu hút giới trẻ lựa chọn ngành nông nghiệp. Hiện nay, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên tại Việt Nam là 50,7 triệu người. nhưng chỉ có khoảng 29% đang tham gia làm việc trong ngành nông nghiệp. Trong giai đoạn 2016-2020, các trường thuộc Bộ NN-PTNT tuyển được 52.208 sinh viên bậc đại học, giảm 35% so với giai đoạn 2010- 2015 (Bộ NN-PTNT, 2021)”, TS Đỗ Xuân Hồng, Giám đốc Trung tâm ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ Trường ĐH Nông Lâm TPHCM nhấn mạnh.
Thống kê của Vụ Giáo dục Đại học cho biết: Hiện trong 28 cơ sở giáo dục đại học có 48 chương trình đào tạo các ngành nông lâm ngư. Nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy có không nhiều các cơ sở giáo dục đại học đưa kiến thức khởi nghiệp, lập nghiệp vào trong yêu cầu của chuẩn đầu ra với 14/48 chương trình đào tạo, chiếm 29,16%. Như vậy, có đến 70,84% số chương trình đào tạo các ngành nông lâm ngư nghiệp hiện nay không có yêu cầu chuẩn đầu ra liên quan đến năng lực khởi nghiệp, lập nghiệp của sinh viên.
Kết quả khảo sát cho thấy 37,5% các chương trình đào tạo ngành nông lâm ngư nghiệp hiện nay có các môn học liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc hình thành năng lựa và kiến thức khởi nghiệp, lập nghiệp trong lĩnh vực đào tạo. Con số này tuy không nhiều nhưng khá thú vị khi thấy nhiều cơ sở đào tạo, tuy không đặt ra yêu cầu trong chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, lập nghiệp cho sinh viên nhưng trong chương trình đào tạo lại có các môn học liên quan đến kiến thức, kỹ năng. Điều này là nền tảng, cơ hội để các trường triển khai việc lồng ghép kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp vào chương trình đào tạo một cách đậm nét hơn.
Vụ Giáo dục Đại học khẳng định việc lồng ghép kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp vào chương trình đào tạo khối ngành nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, việc lồng ghép vào các môn học cần phù hợp với năng lực và kiến thức khởi nghiệp của sinh viên.