(HNM) – Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét kéo dài hiệu lực Nghị quyết số 42/2017/QH14 (ngày 21-6-2017) của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần thiết phải luật hóa vấn đề này nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định cho việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Gần 40% nợ xấu do khách hàng tự xử lý
Theo Ngân hàng Nhà nước, sau khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành (ngày 15-8-2017), tính đến hết năm 2021, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu, bằng 47,9% số nợ xấu tại thời điểm ngày 15-8-2017. Trong đó có 148 nghìn tỷ đồng là do khách hàng tự trả nợ (chiếm gần 40%), cao hơn so với mức 22,8% trung bình năm của giai đoạn 2012-2017.
Tính trung bình nợ xấu đã xử lý đạt khoảng 5,67 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn mức 3,25 nghìn tỷ đồng/tháng trong giai đoạn trước khi Nghị quyết số 42/ 2017/QH14 có hiệu lực. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế giảm từ 10,08% (thời điểm ngày 31-12-2016) xuống còn 6,31% (thời điểm ngày 31-12-2021). Như vậy, có thể thấy sau khi có Nghị quyết số 42/2017/QH14, nợ xấu đã được ngành Ngân hàng giải quyết khá hiệu quả.
Đại diện các ngân hàng thương mại khẳng định, sau gần 5 năm triển khai, Nghị quyết số 42/ 2017/QH14 đã tạo ra hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, góp phần rất lớn vào kết quả cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2016-2020. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, điểm quan trọng trong Nghị quyết số 42/2017/QH14 là cho phép tổ chức tín dụng thu giữ tài sản bảo đảm, cũng như được bán những khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm. Gần 40% nợ xấu đã xử lý là do khách hàng tự trả nợ là kết quả tích cực sau khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 được ban hành.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế chịu tác động của dịch Covid-19 trong giai đoạn 2020-2021, nhiều khoản vay đã được các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ có thể dẫn đến nợ xấu gia tăng nếu như việc phục hồi sản xuất, kinh doanh không hiệu quả. Bên cạnh đó, văn bản quy định pháp luật chưa hoàn thiện, thiếu rõ ràng, chưa hỗ trợ việc xử lý, thu hồi nợ.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, dù đạt kết quả tích cực, song việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 cũng bộc lộ hạn chế, như quyền thu giữ tài sản bảo đảm, áp dụng thủ tục rút gọn, thủ tục thay đổi đăng ký giao dịch bảo đảm khi mua bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất còn khá phức tạp.
Thực tế, hình thức xử lý nợ xấu nhận tài sản bảo đảm thay cho nghĩa vụ trả nợ 3,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,63%; bán, phát mại tài sản bảo đảm 8 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,06%; các hình thức xử lý khác 13,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,86%… cho thấy điều đó.
Giải pháp phù hợp với thực tiễn hơn
Các chuyên gia kinh tế có chung quan điểm, Chính phủ cần tiếp tục đánh giá tác động, phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của những tồn tại, vướng mắc, đề xuất những giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn. Mặc dù khối lượng lớn nợ xấu đã được xử lý, song kết quả chưa thực sự vững chắc.
Đại diện nhiều ngân hàng thương mại cũng cho rằng, nợ xấu chưa xử lý theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 vẫn ở mức cao, khoảng 412,67 nghìn tỷ đồng. Cộng thêm số nợ xấu phát sinh mới dự kiến, nợ xấu có thể lên đến 430 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2022 và 443 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2023. Đặc biệt, tốc độ xử lý nợ xấu trong năm 2020 và năm 2021 có xu hướng chậm lại, trong đó xử lý nợ xấu theo hình thức khách hàng tự trả nợ giảm đáng kể. Do đó, cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/ QH14 đến cuối năm 2023 (thay vì đến ngày 15-8-2022) để tránh khoảng trống pháp lý trong thời gian đợi “gia cố” khuôn khổ pháp luật về xử lý nợ xấu.
Đại diện các ngân hàng cũng kiến nghị nghiên cứu luật hóa quy định về xử lý nợ xấu nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, đáp ứng yêu cầu khơi thông nguồn vốn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành để khắc phục những hạn chế, vướng mắc liên quan đến Nghị quyết số 42/2017/QH14. Trong điều kiện nền kinh tế chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 và những bất ổn của tình hình kinh tế thế giới, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo cấp có thẩm quyền về chủ trương tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu, với mục tiêu bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng là trên hết.
(Theo Hà Nội Mới)