Pháp luật về xử lý nợ xấu trong Ngân hàng thương mại bằng tài sản bảo đảm

Thời gian qua, hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Vấn đề trọng tâm hiện nay là xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại, bởi nó làm tắc nghẽn dòng tín dụng trong nền kinh tế Việt Nam.

1. Biện pháp xử lý nợ xấu trong ngân hàng thương mại bằng tài sản bảo đảm

1.1 Đặc điểm của các biện pháp bảo đảm tài sản để xử lý nợ xấu

Bao gồm những đặc điểm cụ thể sau:

 – Các biện pháp bảo đảm tài sản được xác lập trên cơ sở nghĩa vụ tài chính mà nó bảo đảm (nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng), tuy nhiên mối quan hệ về hiệu lực giữa hợp đồng tín dụng và các giao dịch bảo đảm là độc lập.

– Các biện pháp bảo đảm bằng tài sản đều có mục đích nhằm nâng cao trách nhiệm của các bên trong quan hệ nghĩa vụ (TCTD và khách hàng vay vốn).

– Các biện pháp bảo đảm tiền vay bằng tài sản là biện pháp mang tính dự phòng.

– Phạm vi bảo đảm không vượt quá phạm vi nghĩa vụ được xác định trong nội dung quan hệ chính.

– Các biện pháp bảo đảm tiền vay bằng tài sản được áp dụng trên cơ sở thỏa thuận của các bên, thiết lập trong phmaj vi các biện pháp được pháp luật quy định.

–  Các biện pháp bảo đảm tiền vay bằng tài sản để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ chính chỉ bị xử lý khi có hành vi vi phạm nghĩa vụ chính.

1.2 Sự cần thiết áp dụng xử lý nợ xấu bằng các biện pháp bảo đảm

– Do bản chất của tín dụng nói chung và hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại nói riêng luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho bên cho vay nên sự bảo đảm bằng tài sản cho việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ tiền vay là cần thiết.

– Bản chất của cho vay là việc chuyển nhượng quyền sở hữu một số tiền nhất định từ bên cho vay sang bên cho vay trong một khoảng thời gian nhất định theo thỏa thuận trên cơ sở có hoàn trả vốn gốc và lãi. Chính từ việc chuyển nhượng tài sản cho người khác sử dụng trong một thời gian nhất định nên bên cho vay sẽ đối mặt với nguy cơ rủi ro liên quan việc hoàn trả khoản vay đã được cấp theo thỏa thuận.

– Do khả năng trả nợ của khách hàng vay thường không chắc chắn và rất khó có thể kiểm soát được, trogn khi năng lực quản trọ rủi ro tín dụng của các ngân hàng hiện nay (đặc biệt là ngân hàng trong nước) rất hạn chế nên việc ngân hàng thương mại áp dụng các biện pháp hạn chế rủi ro bằng việc thiết lập các biện pháp bảo đảm tài sản cho nghĩa vụ trả nợ tiền vay có vai trog quan trọng.

2. Quy định của pháp luật hiện hành về xử lý nợ xấu của ngân hàng bằng biện pháp bảo đảm

2.1 Chủ thể tham gia giao dịch bảo đảm tiền vay bằng tài sản

Các bên tham gia trong giao dịch bảo đảm gồm có:

– Bên bảo đảm. Là cá nhân, tổ chức- bên vay nợ của ngân hàng thương mại;

– Bên nhận bảo đảm (chủ nợ có bảo đảm). Trong giao dịch này chủ nợ là các ngân hàng thương mại.

– Thực tiễn còn có bên thứ ba tham gia như: bên quản lý tài sản bảo đảm, người đại diện của bên nhận bảo đảm, bên xử lý tài sản mà không phải bên nhận bảo đảm. Ngoài ra còn có người quản lý giao dịch bảo đảm tài sản.

Người quản lý giao dịch bảo đảm không chỉ là người đại diện của bên nhận bảo đảm, mà còn thay mặt bên nhận bảo đảm thực hiện các giao dịch với các bên thứ ba liên quan đến việc thực thi giao dịch bảo đảm (nhưng không phải là việc chuyển nhượng quyền đối với nghĩa vụ được bảo đảm và giao dịch bảo đảm). Vai trò này được thể hiện trong trường hợp có nhiều bên nhận bảo đảm, ví dụ một số ngân hàng cho vay, các chủ sở hữu trái phiếu hoặc khi mà bên nhận bảo đảm không cư trú tại nước sở tại.” – Điều 16 Luật mẫu về giao dịch bảo đảm do Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu ban hành. Người quản lý giao dịch bảo đảm do bên nhận bảo đảm chỉ định, người này có quyền giám sát việc thanh toán nợ của con nợ; có quyền tiến hành các thủ tục xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật. Nghĩa vụ của người quản lý giao dịch bảo đảm là thực hiện nghĩa vụ của bên nhận giao dịch bảo đảm với bên thứ ba.

2.2 Các biện pháp bảo đảm

Pháp luật Việt Nam có các biện pháp bảo đảm truyền thống như:

– Cầm cố: Quy định tại Điều 309 Bộ luật dân sự năm 2015 Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

– Thế chấp: Quy định tại Điều 317 Bộ luật dân sự năm 2015:

Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp)”.

Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.

– Ký cược: Điều 329 Bộ luật dân sự năm 2015:

“Ký cược là việc bên thuê tài sản là động sản giao cho bên cho thuê một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản ký cược) trong một thời hạn để bảo đảm việc trả lại tài sản thuê”.

– Đặt cọc: Điều 328 Bộ luật dân sự năm 2015:

“Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng”.

– Ký quỹ Điều 330 Bộ luật dân sự năm 2015:

“Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ”.

– Bảo lãnh Điều 335 Bộ luật dân sự năm 2015 là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

Bộ luật Dân sự năm 2015 còn quy định các biện pháp khác như:

– Tín chấp Điều 344 Bộ luật dân sự năm 2015 Tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo quy định của pháp luật.

– Cầm giữ tài sản Điều 346 Bộ luật dân sự năm 2015 Cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (sau đây gọi là bên cầm giữ) đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

– Bảo lưu quyền truy đòi:

Trong thực tiễn thực hiện các hoạt động kinh doanh, các bên còn áp dụng những biện pháp bảo đảm khác là biến thể của các biện pháp bảo đảm trên như Bảo lãnh ngân hàng, Tín dụng dự phòng,.. Các biện pháp bảo đảm theo pháp luật Việt Nam thì không bắt buộc phải có sự chuyển dịch quyền sở hữu tài sản từ người bảo đảm sang người nhận bảo đảm.

Pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật các nước và thông lệ quốc tế, không giới hạn về các biện pháp bảo đảm. Biện pháp bảo đảm sẽ do các bên tự thỏa thuận. Nếu như trong Bộ luật dân sự cũ năm 2005, có quy định ngoài các biện pháp bảo đảm cụ thể được nêu trong luật thì“các bên có thể thoả thuận hoặc pháp luật có quy định về biện pháp bảo đảm khác thì người có nghĩa vụ phải thực hiện biện pháp bảo đảm đó.” Tuy nhiên Bộ luật dân sự năm 2015 đã giới hạn các biện pháp bảo đảm mà chỉ nêu ra 9 biện pháp bảo đảm cụ thể mà không cho các bên quyền thỏa thuận thêm các biện pháp bảo đảm khác.

Hiện nay, có hai quan điểm về các biện pháp bảo đảm. Quan điểm thứ nhất cho rằng: Bộ luật dân sự  quy định 9 biện pháp bảo đảm, cho nên, chỉ công nhận 9 biện pháp bảo đảm theo quy định trong BLDS. Từ đó cho rằng, nếu các bên thỏa thuận về một biện pháp bảo đảm khác với 9 biện pháp bảo đảm này, thì không công nhận đó là biện pháp bảo đảm. Quan điểm thứ hai cho rằng việc Bộ luật dân sự quy định 9 biện pháp bảo đảm không có nghĩa chỉ cho phép các bên áp dụng một hoặc nhiều trong số 9 biện pháp bảo đảm đó. Các bên có thể thỏa thuận xác lập biện pháp bảo đảm khác ngoài 9 biện pháp bảo đảm trong Bộ luật dân sự năm 2015, miễn sao không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

Trong thực tế, có trường hợp các bên thỏa thuận đến hạn mà bên vay không trả được nợ, thì bên vay bán nhà cho bên cho vay và khẳng định việc bán nhà là để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ và khoản tiền mua bán nhà được bù trừ với khoản vay; nếu thiếu thì bên vay trả tiếp khoản thiếu đó và nếu thừa, thì bên cho vay phải thanh toán cho bên vay khoản tiền chênh lệch giữa khoản tiền vay và tiền bán nhà.

Xuất phát từ đó, trong quá trình giải quyết tranh chấp về hợp đồng vay tiền và có biện pháp bảo đảm khác với 9 biện pháp bảo đảm trong Bộ luật dân sự năm 2015, thì Thẩm phán cần hiểu biện pháp bảo đảm theo nghĩa rộng, đó là có thể là 1 trong 9 biện pháp bảo đảm trong Bộ luật dân sự năm 2015 và cũng có thể là một cam kết, thỏa thuận khác với mục đích và ý nghĩa là bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ (theo khái niệm được quy định tại Điều 274 Bộ luật dân sự năm 2015)

Trong khi Bộ luật dân sự năm 2015 quy định 9 biện pháp bảo đảm, thì luật mẫu của Uncitral và luật của Mỹ chỉ đưa ra một khái niệm chung là bảo đảm và nó được hiểu là một cam kết của bên có nghĩa vụ dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc người thứ ba đứng ra bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ. Cam kết này có hiệu lực đối kháng với người thứ ba khi được đăng ký. Cách thức quy định đơn giản như vậy tạo thuận lợi khi áp dụng do không cần phân biệt cầm cố hay thế chấp hoặc bảo lãnh v.v…

Bộ luật dân sự quy định 9 biện pháp bảo đảm cũng có thuận lợi và khó khăn khi áp dụng, vì các bên phải xác định rõ lựa chọn biện pháp bảo đảm nào để từ đó áp dụng pháp luật cho phù hợp đối với loại biện pháp bảo đảm mà các bên đã lựa chọn.

2.3 Hiệu lực của giao dịch bảo đảm tiền vay bằng tài sản

Khi áp dụng biện pháp bảo đảm, chủ nợ sẽ được hưởng đặc quyền xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp phát sinh nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên để thực hiện được thì còn đòi hỏi giao dịch bảo đảm phải được xác lập theo những căn cứ và thủ tục pháp lý nhất định.

– Trường hợp phát sinh: Biện pháp bảo đảm được hình thành dựa trên sự thỏa thuận của các bên hoặc pháp luật có quy định. Luật mẫu EBRD thừa nhận các giao dịch bảo đảm được xác định theo pháp luật hoặc một quyết định tư pháp hoặc hành chính. Hệ thống thông luật cũng thừa nhận biện pháp bảo đảm theo thỏa thuận và biện pháp bảo đảm không theo thỏa thuận , thường phát sinh theo quy định của pháp luật.

– Hình thức tồn tại của giao dịch bảo đảm: Pháp luật Việt Nam quy định Cầm cố, Thế chấp, Đặt cọc, Bảo lãnh, Tín chấp phải được lập thành văn bản. Ký quỹ, Ký cược không nhất thiết phải lập thành văn bản.

Việc xác lập giao dịch bằng văn bản hợp lệ theo thông thường đã đủ cơ sở để ràng buộc quyền và nghĩa vụ giữa các bên. Tuy nhiên giao dịch bảo đảm không chỉ liên quan giữa hai bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm mà còn cả bên thứ ba do vậy trong nhiều trường hợp giao dịch bảo đảm phải tuân thủ theo những thủ tục pháp lý nhất định thì mới có giá trị pháp lý. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, tuy không sử dụng thuật ngữ “hoàn thiện giao dịch bảo đảm” như phần lớn các quốc gia khác nhưng vẫn quy định đầy đủ những thủ tục pháp lý nhất định áp dụng cho từng biện pháp bảo đảm. Hơn thế, pháp luật Việt Nam cũng có sự tương đồng với thông lệ quốc tế và pháp luật các quốc gia khác trong vấn đề làm thế nào để giao dịch bảo đảm có hiệu lực với bên thứ ba.

Luật mẫu EBRD đưa ra ba phương thức xác lập hiệu lực của một giao dịch bảo đảm là (1) Đăng ký, (2) Chiếm hữu, (3) Bảo lưu quyền sở hữu tài sản. Luật Mỹ đưa ra các phương thức là: Đăng ký giao dịch bảo đảm, Chiếm hữu/Kiểm soát tài sản bảo đảm và giao dịch bảo đảm tài sản tự động hoàn thiện áp dụng cho một số tài sản bảo đảm nhất định.

Đăng ký giao dịch bảo đảm là biện pháp được áp dụng phổ biến trên thế giới. Các bên có thể tự nguyện đăng ký hoặc bắt buộc đăng ký trong trường hợp pháp luật có quy định. Pháp luật Việt Nam có quy định tại Điều 4 Nghị định 102/2017/NĐ-CP về Đăng ký tài sản đảm bảo quy định các trường hợp đăng ký.

– Các biện pháp bảo đảm sau đây phải đăng ký:

  • Thế chấp quyền sử dụng đất;
  • Thế chấp tài sản gắn liền với đất trong trường hợp tài sản đó đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
  • Cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay;
  • Thế chấp tàu biển.

– Các biện pháp bảo đảm sau đây được đăng ký khi có yêu cầu:

  • Thế chấp tài sản là động sản khác;
  • Thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai;
  • Bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp mua bán tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; mua bán tàu bay, tàu biển; mua bán tài sản là động sản khác có bảo lưu quyền sở hữu.

Hiệu lực của đăng ký bảo đảm tài sản theo pháp luật: (Điều 5 Nghị định 102/2017/NĐ-CP về Đăng ký tài sản đảm bảo quy định các trường hợp đăng ký). Trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tàu bay, tàu biển, thì thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm là thời điểm cơ quan đăng ký ghi nội dung đăng ký vào sổ đăng ký. Trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tài sản là động sản khác, thì thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm là thời điểm nội dung đăng ký được cập nhật vào cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm.

Ngoài ra việc bên nhận bảo đảm hoặc bên thứ ba (thường là ngân hàng hoặc các tổ chức trung gian tài chính) chiếm hữu hoặc kiểm soát tài sản bảo đảm cũng là một điều kiện có hiệu lực của giao dịch bảo đảm tài sản trong một số trường hợp. BLDS 2015 có quy định về ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ. Như vậy việc bên bảo đảm chuyển tài sản vào tài khoản của ngân hàng (TCTD) là điều kiện để ký quỹ xác lập, trường hợp này bên nắm giữ tài sản không phải là bên nhận bảo đảm mà là một TCTD.

Pháp luật còn thừa nhận một phương thức thứ ba là “tự động hoàn thiện”. Theo phương thức này giao dịch bảo đảm có hiệu lực đối với bên thứ ba khi các bên xác lập giao dịch bảo đảm mà không phải thực hiện thêm bất kỳ thủ tục nào như đăng ký hoặc chiếm hữu hoặc kiểm soát tài sản. Giao dịch bảo đảm có thể được xác lập bởi thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Điều 319 BLDS 2015 quy định hợp đồng thế chấp tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

2.4 Quyền ưu tiên thanh toán khoản vay bằng tài sản bảo đảm

Đây là vấn đề cốt lõi của giao dịch bảo đảm, là đặc quyền của chủ nợ có bảo đảm. Có thể hiểu đơn giản quyền ưu tiên chính là việc được ưu tiên thanh toán trước chủ thể khác khi xử lý tài sản bảo đảm. Quyền ưu tiên có ý nghĩa trong trường hợp tài sản của bên bảo đảm không đủ để thanh toán cho các chủ thể.

– Pháp luật thừa nhận một nguyên tắc chung về xác định ưu tiên thanh toán đó là nguyên tắc ‘thứ tự về thời gian”. Pháp luật của Anh, Mỹ và trong Luật mẫu EBRD đề có các quy định thừa nhận quy tắc thứ tự về thời gian. Việt Nam cũng không ngoại lệ, quy định về xác định thứ tự ưu tiên thanh toán cho nhiều chủ nợ trên một tài sản bảo đảm trong trường hợp các giao dịch bảo đảm cùng đăng ký hoặc cùng không đăng ký (Điều 308 BLDS 2015). Như vậy quyền ưu tiên thanh toán được xác lập theo thứ tự đăng ký hoặc thứ tự xác lập giao dịch. Trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ và trong đó có giao dịch bảo đảm đăng ký, có giao dịch không đăng ký thì sẽ ưu tiên giao dịch bảo đảm có đăng ký (điểm c, khoản 1, Điều 308 BLDS). Quy định này phù hợp với thông lệ quốc tế bởi việc đăng ký chính là phương thức minh bạch nhất xác định tình trạng pháp lý của tài sản cũng như bên thứ ba nhận thức rõ được quyền lợi của bên nhận bảo đảm đối với tài sản.

– Ngoài ra pháp luật một số nước còn quy định một nguyên tắc khác đó là nguyên tắc chiếm hữu, kiểm soát tài sản bảo đảm để xác định thứ tự ưu tiên

2.5 Về xử lý tài sản bảo đảm

Hệ thống những quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động xử lý tài sản bảo đảm là hệ thống các quy phạm về chuyển quyền sở hữu tài sản. Đối với tài sản không phải đăng ký, việc chuyển quyền sở hữu sẽ do các bên tự thỏa thuận. Còn đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu thì việc chuyển quyền sở hữu sẽ phải thực hiện theo quy định, thủ tục pháp luật đặt ra.

Phần lớn tài sản phải đăng ký sở hữu ở Việt Nam được sử dụng để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ tại các ngân hàng là bất động sản và phương tiện vận tải, bất động sản chủ yếu là nhà đất dự án còn phương tiện vận tải là ô tô. Đây cũng là những loại tài sản còn gặp nhiều vướng mắc trong quá trình đăng ký quyền sở hữu khi xử lý tài sản bảo đảm.

Hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật có đề cập đến đăng ký biến động quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất khi xử lý tài sản thế chấp là Luật đất đai 2013, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT, Thông tư 23/2014/TT-BTNMT và Quyết định 1839/QĐ-BTNMT ngày 27/08/2014 về việc công bố thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Về cơ bản các văn bản này đã đề cập đến việc đăng ký biến động đất đai trong trường hợp xử lý nợ hợp đồng thế chấp.

Việc đăng ký thay đổi chủ sở hữu xe ô tô trong trường hợp xử lý tài sản bảo đảm được quy định tại Thông tư số 06/2009/TT-BCA ngày 11 tháng 3 năm 2009 quy định việc cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Thông tư này cũng đề cập đến thủ tục, hồ sơ để thực hiện việc thay đổi chủ sở hữu trong trường hợp xe cầm cố, thế chấp cho ngân hàng phát mại.

Việc xử lý tài sản đảm đối với các tài sản phải đăng ký quyền sở hữu không được thuận lợi. Trên thực tế bên bảo đảm thường không thiện chí phối hợp với bên nhận bảo đảm để xử lý tài sản bảo đảm. Trường hợp này pháp luật có quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN “Trong trường hợp bên bảo đảm không tự nguyện ký hợp đồng, giấy tờ, tài liệu chứng minh việc chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản thì bên nhận bảo đảm được quyền ký hợp đồng, giấy tờ, tài liệu đó nhưng trong hồ sơ đề nghị chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản phải bổ sung một (01) bản chính hợp đồng bảo đảm đã được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật hoặc một (01) bản sao hợp đồng bảo đảm được Ủy ban nhân dân cấp xã chứng thực, tổ chức hành nghề công chứng cấp từ bản chính hoặc văn bản khác chứng minh có thỏa thuận về việc bên nhận bảo đảm được quyền ký hợp đồng, giấy tờ, tài liệu chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm.”

Quy định trên mặc dù có vẻ tạo thuận lợi cho bên nhận bảo đảm trong việc xử lý tài sản bảo đảm, nhưng thực tế lại hạn chế quyền định đoạt của bên nhận bảo đảm. Trường hợp trong hợp đồng bảo đảm các bên không thỏa thuận rõ về việc “bên nhận bảo đảm được quyền ký hợp đồng, giấy tờ, tài liệu chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm” và bên bảo đảm không hợp tác thì bên nhận bảo đảm chỉ có thể khởi kiện ra tòa án. Có thể nói nguyên tắc đòi hỏi sự thỏa thuận của các bên về phương thức xử lý tài sản bảo đảm khi xảy ra sự kiện phát sinh quyền xử lý tài sản bảo đảm (quyền định đoạt có điều kiện) của bên nhận bảo đảm. Đây là quyền tài sản quan trọng của bên nhận bảo đảm, tuy nhiên theo quy định trên thì quyền này không được đảm bảo, không thể tự thực hiện trên thực tế nếu bên bảo đảm không phối hợp. (phương thức xử lý tài sản bảo đảm quy định tại Điều 303. Phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp

– Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:

  • Bán đấu giá tài sản;
  • Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;
  • Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;
  • Phương thức khác.

– Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.)

Tương tự với các quy định về đăng ký quyền sở hữu tài sản cũng đang làm khó bên nhận bảo đảm trong việc xử lý tài sản bảo đảm. Trong Thông tư số 06/2009/TT-BCA thì hồ sơ đăng ký xe cơ giới trong trường hợp xử lý tài sản bảo đảm có yêu cầu “Hợp đồng mua bán tài sản hoặc hợp đồng chuyển nhượng tài sản hoặc biên bản nhận tài sản hoặc văn bản bán đấu giá tài sản” tuy nhiên lại chưa làm rõ chủ thể trong các loại hợp đồng trên là ai, được giao kết giữa bên nào với bên nào. Bởi quy định không rõ ràng buộc các cơ quan đăng ký tài sản yêu cầu các bên phải nộp hợp đồng chuyển nhượng tài sản được ký kết bởi bên bảo đảm với người nhận chuyển nhượng. Yêu cầu này đã làm khó các TCTD với tư cách là bên nhận bảo đảm khi bên bảo đảm không hợp tác, yêu cầu xuất trình hợp đồng chuyển nhượng hay đòi hỏi có sự đồng ý của bên bảo đảm đã vô tình tiếp tay cho hành vi vi phạm nghĩa vụ hay thiện chí trung thực trong kinh doanh.

 

(Theo Luật Minh Khuê)