Dòng chảy tín dụng nghẽn ở đâu?

Tín dụng quý 1/2023 tăng trưởng 2,6% so với cuối năm, tuy nhiên, tín dụng tại TP.HCM chỉ tăng 1,25%, bằng 1/2 tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn ngành kinh tế. Để tìm hiểu dòng chảy tín dụng đang nghẽn ở đâu, chúng tôi đã khảo sát ngẫu nhiên một số doanh nghiệp ở những ngành nghề khác nhau.

Dòng chảy tín dụng nghẽn ở đâu ? - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp chưa tiếp cận vốn vay ưu đãi

Kết quả cho thấy có nhiều nguyên nhân khiến tín dụng chưa chảy được vào cộng đồng doanh nghiệp (DN). Đa số DN được hỏi cho biết tiếp cận tín dụng ở thời điểm hiện tại vẫn khó khăn. Nhiều DN vay được nhưng “sức khỏe” yếu, thị trường tiêu thụ hẹp nên chưa có nhu cầu.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) cho biết: Từ quý 3/2022, nhiều NH đã thông báo và áp dụng ngay sau đó việc tăng LS vay USD từ 2,1 – 2,8% lên 3 – 3,3% và thậm chí đến 4,5%. Trong khi các DN thủy sản thường vay USD, hiện tại LS đang ở mức cao 4,2 – 4,9% trong bối cảnh sản xuất, xuất khẩu đều sụt giảm. Điểm quan ngại nữa là việc “siết tín dụng”, hạn chế cho vay dưới mức tín dụng được cấp, các khoản vay mới chỉ được giải ngân tương ứng với khoản vay cũ khi phải trả nợ trước đó khiến DN hiện nay rất khó khăn về tài chính, không chủ động được việc thu mua nguyên liệu cho nông dân, ngư dân. Chính vì vậy VASEP kiến nghị Thủ tướng phê duyệt gói tín dụng 10.000 tỉ đồng LS thấp (vay USD dưới 4%) cho DNNH thủy sản vay để tạm trữ nguyên liệu.

Một số DN lại ngán lãi vay quá cao, không dám vay. Trong đó, cũng có một số ít DN tiếp cận được vốn ngân hàng (NH) với lãi suất (LS) dễ thở hơn. Khảo sát này không thực hiện với các DN trong lĩnh vực bất động sản (BĐS).


“Cố gần chết” để có được nguồn tiền

Dòng chảy tín dụng nghẽn ở đâu ? - Ảnh 4.

Hồi đầu năm khi NH Nhà nước (NHNN) thông báo nới room tín dụng, các NH mà chúng tôi đã nộp hồ sơ từ trước đã liên hệ lại hướng dẫn công ty hoàn thiện hồ sơ. Khi đó thì gói vay ưu đãi 2% đã hết hạn rồi nên chúng tôi phải vay với LS 9,8%. Thật ra trước đó, do không tiếp cận được nguồn vốn vay nên tôi đã phải thế chấp tài sản cá nhân, vay gói cá nhân để gồng gánh cho DN với mức LS trên 11% nên với tôi, 9,8% đã là quá tốt rồi. Ngành du lịch đa phần là các DN nhỏ và vừa, yêu cầu có tài sản thế chấp gần như bất khả thi. Vay tín chấp cũng vô cùng khó khăn vì hoạt động kinh doanh 2 năm dịch gần như bằng “0” nên Du lịch Việt có thể là số ít DN lữ hành đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay NH. Nhưng không phải cứ có room là vay được ngay. NH xét kỹ lắm, phải chứng minh được dòng tiền, doanh thu…Chúng tôi phải “cố gần chết” để có nguồn tiền đảm bảo điều kiện vay tín dụng.

Bà Phạm Phương Anh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Du lịch Việt

Muốn vay thêm cũng không dám vì nợ cũ chưa trả được

Dòng chảy tín dụng nghẽn ở đâu ? - Ảnh 5.

Vay NH giờ thủ tục thông thoáng hơn nhưng LS quá cao. Lãi vay các gói ngắn hạn từ 8,5 – 10%, trong khi trước đây chỉ 5,5 – 7%; gói trung và dài hạn từ 10 – 13%, có NH còn lấy 14 – 15%. Cao như vậy nhưng DN vận tải vẫn phải chấp nhận vay vì dù giờ kinh tế khó khăn, đơn hàng giảm, xe không chạy toàn nằm bãi nhưng lương cho tài xế vẫn phải giữ, phí bảo trì vẫn phải trả, bảo hiểm vẫn phải đóng… chi phí vẫn phải trang trải đều, không vay thì lấy tiền đâu? Bởi vậy, DN giờ vay không phải để mở đội xe mà chủ yếu để cố gắng cầm cự. Trước, Lâm Vinh cũng vay NH gói 6,5%, sau điều chỉnh tăng lên tới 9%, giờ muốn vay thêm cũng không dám vì khoản cũ đã trả nổi đâu. Trong khi đó, định giá tài sản thì thấp xuống, có muốn bán tài sản giờ cũng không có người mua nên rất rủi ro. Gánh chi phí, gánh nợ giờ chật vật vô cùng.

Ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Lâm Vinh

Giờ cho vay không dám vay

Dòng chảy tín dụng nghẽn ở đâu ? - Ảnh 6.

Tôi chủ yếu vay mua trữ gạo để làm bún nhưng nay có cho vay cũng không dám vì LS cao quá, lên đến 10,5% thì sản xuất kinh doanh thế nào để có lãi với vốn vay cỡ đó? Khó lắm, nên không dám mua trữ gạo như trước, có nhiêu mua bấy nhiêu thôi. Trước dịch, tôi vay để mua đất định di dời nhà xưởng ra vùng ven với lãi khoảng 6,7%. Thế nhưng, dịch bùng phát và kế hoạch bị “treo” từ đó đến nay, giờ còng lưng ra làm để trả lãi khoản vay cũ đã đuối. Tôi vừa đầu tư mở rộng máy làm nui tươi phải vay NH thêm một ít. Nhưng với mức LS trên thì thôi, có bao nhiêu làm bấy nhiêu.

Bà Nguyễn Bính, Công ty CP sản xuất thương mại dịch vụ Nguyễn Bính

Vốn vay luôn là khó khăn đối với doanh nghiệp làm nông nghiệp

Dòng chảy tín dụng nghẽn ở đâu ? - Ảnh 7.
Sau buổi đối thoại giữa NH và DN tổ chức cuối tháng 2 vừa qua, chúng tôi cũng đã làm việc với 3 – 4 NH về việc tiếp cận vốn vay nhưng thật sự là khó có thể vay. Trước đây, khi DN làm hồ sơ vay vốn NH thế chấp đất nông nghiệp ở tỉnh thì NH vẫn nhận, nhưng nay thì không được. Mấy tháng nay, vấn đề vướng mắc này không được tháo gỡ. Chính vì sự khó khăn như nêu ở trên mà hiện nay các khoản vay của DN hầu hết đứng tên cá nhân lãi vay 11 – 12%/năm. Nếu như cho phép DN thế chấp tài sản là đất nông nghiệp để vay vốn, DN sẽ được tiếp cận vốn vay rẻ hơn do làm trong lĩnh vực nông nghiệp mà ngay cả những chi phí này cũng được tính vào chi phí của DN, giúp giảm giá thành sản phẩm. Hiện các DN gặp phải 3 vấn đề là LS vay cao; bị tác động từ kinh tế thế giới nên mãi lực thị trường cả trong và ngoài nước yếu đi; sau đại dịch Covid-19, các DN cũng không dám vay và kinh doanh. Với DN hoạt động 20 năm như Xuân Nguyên, nhờ phát triển thị trường ổn định nên việc sản xuất kinh doanh ngành hàng truyền thống thì vẫn có thể chịu đựng được mức LS vay 10%/năm để giữ thị trường. Riêng đối với những khoản vay để đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh mà lãi vay trên 10%/năm thì chúng tôi phải cân nhắc rất kỹ.

Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, phụ trách tài chính Tập đoàn Xuân Nguyên

Mức lãi suất hiện nay, theo tôi là chấp nhận được

Dòng chảy tín dụng nghẽn ở đâu ? - Ảnh 8.

Hiện nay DN của tôi được vay vốn NH bình thường không gặp khó khăn gì cả. Trước đây LS có hơi cao nhưng gần đây đã giảm rồi. Điều kiện NH đưa ra thì DN của tôi đều đáp ứng được hết nên không gặp vấn đề gì. Mức LS hiện nay khoảng 7 – 8%/năm, theo tôi, là chấp nhận được và nhận thấy đây là sự hỗ trợ tốt của NHNN.

Bà Huỳnh Kim Chi, Tổng giám đốc Công ty liên doanh Bột Quốc tế (Intermix)

Ngại vay vì lãi suất cao

Dòng chảy tín dụng nghẽn ở đâu ? - Ảnh 9.

Hiện LS vay vốn từ một NH thương mại cổ phần nhà nước của công ty tôi chỉ có 7,5%/năm. Đây là LS khá mềm trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời là quan hệ đối tác lâu năm nên thủ tục, hồ sơ vay cũng không gặp khó khăn. Nhiều DN hội viên thuộc HAWA cũng không gặp khó khăn khi muốn tiếp cận vốn tại các NH. Nhưng điều quan trọng nhất là hiện hay đơn hàng xuất khẩu của ngành chế biến gỗ giảm mạnh, hàng tồn kho tăng cao. Vì vậy, hầu hết DN chưa có nhu cầu vay mới. Song song đó, họ lại gặp khó khăn trong việc thanh toán đúng hạn cho những hợp đồng tín dụng cũ do dòng tiền không thu hồi kịp. Nhiều DN gỗ đều mong NH sẽ gia hạn thêm thời gian thanh khoản cho các khoản vay cũ và nhanh chóng áp dụng mức LS như khoản vay mới. Tình trạng nhu cầu sụt giảm mạnh là yếu tố khách quan của cả thế giới, không phải do bản thân chúng tôi. Vì hiện nay nhiều khoản vay vẫn còn LS rất cao, giảm không đáng kể như nhiều NH đã công bố.

Ông Tô Ngọc Ngời, Trưởng ban kiểm tra Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA)

Doanh nghiệp du lịch tiếp cận vốn vay vẫn còn khó

Dòng chảy tín dụng nghẽn ở đâu ? - Ảnh 10.

Qua phản ánh sơ bộ ban đầu từ các doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch thì họ có một số vướng mắc khi tiếp cận vốn vay NH. Khi nền kinh tế thế giới và VN chưa thực sự phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhu cầu du lịch của người dân trong nước giảm, khách nước ngoài chưa tăng trưởng trở lại dẫn đến nguồn thu mảng khách sạn có khả năng sụt giảm. Trong khi đó NH cẩn trọng hơn khi cho vay do lo ngại về nguồn thu từ phía DN. Thêm vào đó, nhu cầu vay đầu tư mới của DN còn bị hạn chế do các NH bị giới hạn cho vay dài hạn trên nguồn vốn ngắn hạn. Việc định giá tài sản là BĐS gồm khách sạn, resort thấp hơn giá thị trường, chỉ khoảng 80%, và hạn mức cho vay dao động từ 70 – 80% giá trị nên khoản vay thường thấp.

Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ VN

Tiêu thụ sụt giảm, chưa có nhu cầu vay vốn

Dòng chảy tín dụng nghẽn ở đâu ? - Ảnh 11.

Đầu năm nay sức tiêu thụ sụt giảm mạnh nên công ty chưa có nhu cầu vay vốn nhiều. Giữa tháng 3 vừa qua, chúng tôi chỉ mới giải ngân khoản vay đầu tiên để phục vụ sản xuất và LS phải trả là 12%/năm. Hồ sơ vay của công ty có tài sản đảm bảo, khoản vay thấp so với những năm trước nên NH xét duyệt nhanh chóng. Thế nhưng mức LS 12% là khá cao nên tôi mong đến kỳ điều chỉnh LS vào giữa tháng 6.2023, hợp đồng vay của công ty sẽ được giảm mức lãi thấp hơn.

Ông Lê Viết Thanh, Giám đốc hệ thống K&K Fashion

Chúng tôi và nhiều doanh nghiệp khác bị rớt hồ sơ

Dòng chảy tín dụng nghẽn ở đâu ? - Ảnh 12.

Tôi có tiếp cận vốn vay NH để mở rộng sản xuất và phục vụ mục đích xuất khẩu, tuy nhiên ở thời điểm đó các yêu cầu về mặt thủ tục còn rất phức tạp, những DN vừa và nhỏ như chúng tôi khó đáp ứng được. Bản thân DN tôi và nhiều DN quen biết khác cũng đều bị rớt hồ sơ vay vốn. Bên cạnh đó LS vay vẫn còn cao nên chúng tôi phải tìm vốn từ các nguồn khác.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, CEO Công ty Liên kết thương mại Toàn Cầu (chủ thương hiệu cà phê nông sản Meet More)

Lãi suất của chúng tôi chưa bao giờ quá 2 con số

Dòng chảy tín dụng nghẽn ở đâu ? - Ảnh 13.

Chúng tôi trước nay thường làm việc với nhóm Big 4 mà nhiều nhất là Vietcombank. Nếu so với các NH thương mại khác thì để được vay vốn ở nhóm nhà băng này, các tiêu chí liên quan tới tài sản đảm bảo, xây dựng phương án kinh doanh, phương án trả nợ lịch sử tín dụng… khắt khe hơn rất nhiều. Tuy nhiên, LS của họ cũng cạnh tranh hơn. Bản thân DN chúng tôi thì LS lúc cao nhất cũng chưa khi nào vượt quá 2 con số. Trong ngày 18.4, Vietcombank có thông báo giảm LS 0,6% nếu thực hiện các khoản vay mới.

Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Vĩnh Thành Đạt (V.food)

Chúng tôi chưa được giới thiệu gói ưu đãi nào

Dòng chảy tín dụng nghẽn ở đâu ? - Ảnh 14.

Bản thân DN chúng tôi có nguồn vốn dự trù cho các hoạt động mở rộng sản xuất kinh doanh gửi ở NH. Bên cạnh đó là hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh hàng hóa thiết yếu và xuất khẩu nên có thể tiếp cận cả nguồn vốn bằng đồng VN và USD. Từ đầu năm đến nay, kết quả kinh doanh của chúng tôi tăng trưởng trên 30% so với năm trước. Trên cơ sở đó thì việc tiếp cận nguồn vốn vay của công ty khá thuận lợi, nhưng thực tế là chúng tôi không có nhu cầu hay nói đúng hơn là rất nhỏ, chỉ 1 – 2 tỉ vốn lưu động để trả lương nhân viên cho đúng thời hạn. Trước đây, LS vay chỉ 6% thì hiện nay vẫn đang vay 8,5%; nếu vay USD thì 4,3%. Chúng tôi cũng chưa được giới thiệu các gói ưu đãi nào khác.

Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm công nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods)

Nhiều doanh nghiệp bị nhảy nhóm nợ “oan ức”, nên xem xét

Dòng chảy tín dụng nghẽn ở đâu ? - Ảnh 15.

Đối với công ty tôi thì vẫn tiếp cận vốn vay của NH thuận lợi, dễ dàng do có dòng tài chính luân chuyển ra vào và hoạt động kinh doanh bình thường, có nguồn tài sản đảm bảo. Về LS thì chúng tôi đang vay dưới 10%, tôi đánh giá là có thể chấp nhận được trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, theo khảo sát nhiều DN khác trong CLB, việc tiếp cận vốn vay rất khó, đặc biệt là các DN hoạt động trong chuỗi BĐS, xây dựng như cung cấp vật liệu, các nhà thầu phụ… Ước tính có đến 30 nhà thầu phụ liên quan trong chuỗi BĐS gặp khó khăn do đầu ra thị trường bị tắc nghẽn. Đáng nói là có nhiều DN bị nhảy nhóm nợ xấu do bị kẹt vốn trả nợ trong 1 – 2 tháng, từ đó không vay được ở các kênh chính thống mà phải vay nóng bên ngoài với LS cao. Kiến nghị NHNN nên xem xét, đánh giá lại các DN có lịch sử tín dụng tốt nhưng bị nhảy nhóm nợ trong thời gian ngắn. Nếu chỉ vì kẹt tiền, vốn chưa thu hồi về kịp mà bị nhảy nhóm nợ thì khá “oan ức” và tội nghiệp cho họ.

Bà Lâm Thúy Ái, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH SX-TM Mebipha, Phó chủ nhiệm CLB doanh nhân Tiền Giang