Ngóng sàn giao dịch mua bán nợ

Các ngân hàng vẫn liên tục rao bán nợ trên website và tổ chức đấu giá các tài sản đảm bảo. Những món nợ có giá trị từ vài chục triệu đồng đến hàng nghìn tỷ đồng, đa dạng từ cho vay tiêu dùng đến cho vay có tài sản đảm bảo. 

VietinBank công bố bán nhiều khoản nợ phát sinh giai đoạn 2010-2012. Khoản nợ lớn gần nhất được rao có tổng dư nợ gốc lẫn lãi gần 108,6 tỷ đồng, của Công ty TNHH Kim Anh, tính đến 20/6. Trong đó, dư nợ gốc là 46,8 tỷ đồng và dư nợ lãi là 61,8 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm gồm hai quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại quận Đống Đa và quận Tây Hồ Hà Nội có tổng diện tích 277,5 m2. Hai doanh nghiệp khác gồm CTCP TM Thép Tiến Phúc có tổng dư nợ là gần 15,4 tỷ đồng và hơn 4,8 tỷ đồng. 

Một khoản vay cá nhân được rao bán của khách hàng Đào Anh Tuấn từ năm 2011 có tổng dư nợ hơn 44,7 tỷ đồng, gồm dư nợ gốc 14,9 tỷ đồng và dư nợ lãi 29,8 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm gồm hai quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại quận Đống Đa, TP Hà Nội với diện tích sử dụng lần lượt là 151,6m2 và 12,9 m2. Ba khoản vay cá nhân khác cùng giai đoạn trên có dư nợ dao động 14-28 tỷ đồng.

Trước đó, ngân hàng này cũng rao bán loạt nợ vay tiêu dùng không tài sản đảm bảo với giá trị dao động 1,5 triệu đồng- 16 triệu đồng. 

VietinBank rao bán nhiều khoản nợ từ 10 năm trước. Ảnh: VietinBank.
VietinBank rao bán nhiều khoản nợ từ 10 năm trước. Ảnh: VietinBank.

Sacombank cũng thông báo bán nhiều khoản nợ của cá nhân phát sinh từ 10 năm trước. Đơn cử, ngân hàng bán nợ của ông Nguyễn Mạnh Hùng và bà Trần Thị Mai Dung với hợp đồng tín dụng hình thành từ năm 2011, tổng dư nợ tính đến ngày 30/6/2019 là hơn 106 tỷ đồng. Giá khởi điểm cho khoản nợ là gần 33,5 tỷ đồng, chưa bằng một nửa tổng dư nợ. Một khoản nợ khác được bán của cá nhân Đinh Ngọc Hương hình thành năm 2011 với tổng dư nợ là hơn 121 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 29 tỷ đồng, phần còn lại là lãi trong hạn, lãi quá hạn và phạt chậm trả lãi vay.

Ngân hàng cũng thông báo phát mãi nhiều khoản nợ của các công ty như Doanh nghiệp tư nhân Thương mại Vận tải Lan Anh (nay là Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn TPP), Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kim Kim Hoàn Mỹ, Công ty Cổ phần Ngọc Sương, Doanh nghiệp tư nhân Khách sạn Nhà hàng Thanh Hải. Trong đó, khoản nợ của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kim Kim Hoàn Mỹ có giá trị lớn nhất là hơn 473 tỷ đồng, giá khởi điểm tương đương gần 23% tổng dư nợ là hơn 108 tỷ đồng.

BIDV vừa qua cũng thông báo bán đấu giá lần 2 khoản nợ của Tập đoàn Khải Vy với tổng giá trị 1.035 tỷ đồng gồm 409 tỷ đồng nợ gốc và 626 tỷ đồng lãi vay với tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất tòa nhà Crystal Palace, đất rừng trồng, công trình, xe ôtô các loại…

Trước đó, ngân hàng này cũng rao bán 12 lần tài sản đảm bảo của CTCP XNK Dệt may Thúy Đạt với giá khởi điểm hơn 2,5 tỷ đồng bao gồm máy móc, thiết bị sản xuất. Nhà băng này cũng thông báo bán 5 lần với tài sản đảm bảo cho khoản nợ của CTCP Kiến trúc và Xây dựng Archplus với tổng dư nợ hơn 498 tỷ đồng, nhưng không thành công. Một loạt khoản nợ, tài sản đảm bảo khác cũng được rao bán nhiều lần có thể điểm tới như nợ/tài sản của Công ty TNHH Thành Vinh (7 lần), Công ty TNHH XD và KD Nhà Bách Giang (5 lần)…

Vietcombank cũng đang rao bán khoản nợ của Công ty TNHH Việt Trường Sơn lần thứ 8 với giá khởi điểm 22,8 tỷ. Tổng dư nợ của Công ty Việt Trường Sơn tại ngân hàng hiện nay là 33,4 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là 5 bất động sản tại TP Đà Lạt và một bất động sản tại Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. 

Đợi “chợ” giao dịch nợ của VAMC

Vừa qua, Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam (VAMC) phát đi thông báo khai trương Sàn giao dịch nợ VAMC chuyên mua bán nợ, tài sản cho cả thị trường và VAMC giữ vai trò trung tâm. Hoạt động trọng tâm của sàn này là cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới mua, bán nợ và tài sản của các tổ chức, cá nhân. Mục tiêu là tạo lập một loại hình dịch vụ mới, chuyên nghiệp, hiệu quả trong hoạt động xử lý nợ xấu. 

Động thái này của VAMC xuất hiện trong bối cảnh nợ xấu do ảnh hưởng của Covid-19 vẫn đang tiềm ẩn tại các ngân hàng và Nghị quyết 42 sẽ hết thời gian thí điểm vào năm sau. Việc thành lập sàn giao dịch nợ nằm trong Đề án cơ cấu lại và nâng cao năng lực của VAMC giai đoạn 2017 – 2020 và hướng tới 2022. Ngày 28/4, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận chủ trương thành lập Sàn giao dịch nợ VAMC theo mô hình chi nhánh.

Theo ông Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc VAMC, sàn giao dịch nợ là một tập hợp gồm các câu lạc bộ xử lý nợ xấu (AMC) từ các tổ chức tín dụng, đặc biệt là ngân hàng, các doanh nghiệp/cá nhân có nhu cầu mua bán nợ. Sàn giao dịch nợ là trung gian, là “chợ” kết nối mua bán nợ và tài sản giữa các thành viên với nhau.

TS Nguyễn Quốc Anh, Khoa NH Trường ĐH Kinh tế TP HCM, từng cho rằng việc thành lập sàn giao dịch mua bán nợ là xu hướng tất yếu trong hội nhập. VAMC làm đầu mối cũng là định hướng đúng. Tuy nhiên, cùng với việc tạo lập khung pháp lý cho thị trường ra đời, vấn đề cốt lõi là phải tạo điều kiện để nhiều đối tượng, thành phần cùng tham gia.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng kiến nghị kéo dài thời gian thí điểm Nghị quyết 42 và có thể nâng thành luật. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, nhận định Nghị quyết 42 chỉ là thí điểm, thời hạn có hiệu lực ngắn (5 năm), không áp dụng để xử lý cho toàn bộ nợ xấu của TCTD.

Mặt khác, nợ xấu luôn tồn tại song song với hoạt động cho vay của các TCTD. Trong dài hạn, đại diện Hiệp hội ngân hàng cho rằng việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu là rất cần thiết, khi đó lĩnh vực xử lý nợ xấu sẽ có văn bản luật riêng để điều chỉnh, các quy định xử lý nợ xấu sẽ có giá trị pháp lý cao hơn, giúp cho ngành ngân hàng và các cơ quan Nhà nước liên quan phối hợp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.

 

(Theo Trâm Anh – Người đồng hành)