Nợ xấu ngân hàng tăng nhanh

Chất lượng tín dụng các nhà băng xấu đi trong quý I khi nợ cần chú ý và nợ xấu tăng mạnh do ảnh hưởng từ khó khăn của bất động sản và tài chính tiêu dùng.

Ngân hàng là một trong số ít nhóm ngành ghi nhận mức lợi nhuận tăng trong quý I năm nay (tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái), tuy nhiên bức tranh tài chính của nhóm này không hẳn chỉ toàn màu hồng. Chất lượng tín dụng các nhà băng đã xấu đi đáng kể sau ba tháng đầu năm khi nợ cần chú ý (nợ nhóm 2 – quá hạn đến 90 ngày) và nợ xấu (nợ nhóm 3-5) tăng mạnh.

Ở nhóm ngân hàng quốc doanh, tăng mạnh nhất là nợ cần chú ý (nhóm 2), nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) và nợ nghi ngờ (nhóm 4).

Như Vietcombank, ba cấu phần này đều tăng với tỷ lệ hai chữ số so với cuối năm trước, trong khi nợ nhóm 5 giảm nhẹ. Tỷ lệ nợ xấu (nhóm 3-5) trên tổng dư nợ tăng từ 0,68% cuối năm trước lên 0,84%.

Với BIDV và VietinBank, xu hướng cũng tương tự. Nợ nhóm 2 của BIDV đến cuối quý I tăng 47%, nợ nhóm 3 hơn gấp đôi, còn nợ nhóm 4 tăng hơn 60%. Với VietinBank, cả ba khoản mục này đều tăng so với cuối năm trước.

Mỗi ngân hàng lại có một cách tiếp cận riêng với vấn đề nợ xấu. Vietcombank tiếp tục gia tăng “đệm dự phòng” khi quy mô trích lập tăng gần 30% so với đầu năm, tỷ lệ bao phủ hơn 300% (tức một đồng nợ xấu được trích lập dự phòng bằng 3 đồng). VietinBank cũng tăng trích lập nhưng sử dụng hơn 7.000 tỷ đồng để xử lý các khoản nợ khó đòi, giúp quy mô nợ nhóm 5 giảm hơn 30%.

Với nhóm nhà băng tư nhân top đầu, biến động về quy mô nợ quá hạn có phần cao hơn khối quốc doanh.

Tại VPBank, nợ cần chú ý (nhóm 2) và nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) đều gấp đôi sau ba tháng đầu năm. Trên báo cáo tài chính riêng lẻ quý I, nợ nhóm 3-5 của VPBank đã tăng lên 3,4% so với tổng dư nợ cho vay, trong khi cùng kỳ năm trước là 2,8%.

Với Techcombank, quy mô nợ nhóm 3-5 cũng tăng hai chữ số trong quý I năm nay. Trong khi đó, MB xét về tỷ lệ, mức tăng của nhóm nợ quá hạn còn cao hơn VPBank hay TCB.

Đến cuối quý I, quy mô nợ cần chú ý – nợ chậm thanh toán đến 90 ngày – của MB gấp gần ba lần so với đầu năm. Nợ nhóm 3 cũng tăng gấp gần ba lần, trong khi nợ nhóm 4-5 tăng ở mức hai chữ số. Tổng nợ nhóm 3-5 của nhà băng này tăng gần 70%, trong khi tăng trưởng tín dụng ba tháng đầu năm đạt 4,5%.

Một số nhà băng quy mô nhỏ hơn như BaoVietBank, ABB, OCB cũng ghi nhận nợ nhóm 3-5 trên tổng dư nợ (báo cáo tài chính hợp nhất) vượt quá 3%. Hiện đứng đầu hệ thống về tỷ lệ nợ xấu là Ngân hàng Quốc Dân (NCB).

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành đã tăng lên mức 2,91% vào cuối tháng 2 năm nay, so với 2% thời điểm cuối năm ngoái.

“Đa số các ngân hàng đều ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng và tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm so với quý trước”, báo cáo cập nhật ngành ngân hàng của VNDirect viết. Theo đó, đơn vị này cho rằng khó khăn từ thị trường bất động sản vẫn là một thử thách lớn cho triển vọng ngành ngân hàng khi lĩnh vực này chiếm đến 21% tín dụng toàn hệ thống.

Trong phiên họp thường niên đầu năm, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cũng cho biết tình hình khó khăn của nền kinh tế được phản ánh trong quý đầu năm nay khi nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, khách hàng cá nhân cũng bị ảnh hưởng dẫn tới tình trạng nhiều khoản vay không đảm bảo khả năng chi trả. Thêm vào đó, khủng hoảng của một số tập đoàn bất động sản dẫn tới sự mâu thuẫn giữa nhà phát triển và người mua về chính sách hỗ trợ lãi vay, khiến một số khoản chuyển thành nợ xấu.

“Chúng tôi dự kiến nợ xấu còn tiếp tục tăng trong quý II nhưng sẽ duy trì dưới 3% nhờ vào các biện pháp của ngân hàng để hỗ trợ khách hàng và các chính sách cấu trúc nợ”, ông Vinh nói và dự báo trong hai quý cuối năm nay, tình hình mới dần hạ nhiệt.

Với NCB, ngoài một phần lý do từ nền kinh tế chung có xu hướng suy giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng trả nợ của khách hàng thì việc tỷ lệ nợ xấu cao còn do nhà băng này thực hiện phân loại lại nợ xấu, nợ quá hạn theo đúng tình trạng khoản nợ; đặc biệt sau khi các thông tư quy định cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi vay khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 đã hết hiệu lực.

Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định sau giai đoạn Covid-19, doanh nghiệp có một khoảng thời gian hồi phục khi nền kinh tế mở cửa trở lại cùng với cầu tiêu dùng nội địa và quốc tế tăng tốc, từ đó doanh nghiệp có khả năng trả nợ. Tuy nhiên, bức tranh hiện tại khó khăn hơn khi thời gian và mức độ hồi phục kinh tế toàn cầu còn nhiều ẩn số.

                                                                                                                                                                                                                                    Trích VNExpress