Phát triển thị trường mua, bán nợ xấu tập trung giải pháp bền vững cho xử lý nợ xấu tại Việt Nam

Thời gian gần đây ghi nhận thành công của hệ thống Ngân hàng Việt Nam khi đưa về và kiểm soát tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ở mức dưới 3% (Mức an toàn theo thông lệ quốc tế). Tuy nhiên, phải nhìn nhận nợ xấu thực tế bao gồm nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản thanh toán bằng Trái phiếu đặc biệt (TPĐB) và nợ tiềm ẩn rủi ro chuyển thành nợ xấu còn khá cao. Do vậy, nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định và an toàn hệ thống là hiện hữu.  Trong điều kiện không sử dụng Ngân sách Nhà nước (NSNN), thực tế trên đặt ra yêu cầu phải tìm ra giải pháp xử lý nợ xấu  một cách bền vững, tạo ra sự ổn định, an toàn lâu dài cho hệ thống ngân hàng. Thực tiễn trên thế giới và thực tế tại Việt Nam cho thấy phát triển thị trường mua bán nợ xấu tập trung là giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này. Bài viết dưới đây đưa ra các phân tích, đánh giá về thực trạng hoạt động mua, bán nợ xấu, những tồn tại, hạn chế trong hoạt động mua, bán nợ xấu từ đó đề xuất những giải pháp để phát triển thị trường mua, bán nợ xấu tập trung tại Việt Nam. 

Trong điều kiện không sử dụng NSNN, thực tế đặt ra yêu cầu phải tìm ra giải pháp xử lý nợ xấu một cách bền vững, tạo ra sự ổn định, an toàn lâu dài cho hệ thống ngân hàngTHỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG MUA, BÁN NỢ XẤU

Người mua, người bán
 Thời gian qua, tham gia hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu chủ yếu vẫn là Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) trực thuộc Bộ Tài chính, Công ty quản lý tài sản (AMC) thuộc các tổ chức tín dụng và một số ít các chủ thể khác.
VAMC
 Sau 5 năm thành lập, VAMC đã tập trung mọi nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các TCTD thực hiện mua nợ bằng TPĐB, hoàn thành nhiệm vụ được Chính phủ, NHNN giao góp phần đưa tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng về dưới 3%.
 – Kết quả mua nợ bằng TPĐB và xử lý nợ, từ khi thành lập đến 30/9/2018: 
 + Mua nợ xấu bằng TPĐB với tổng dư nợ gốc nội bảng: 307.932 tỷ đồng với giá mua 277.755 tỷ đồng.+ Thu hồi các khoản nợ đã mua bằng TPĐB: 102.716 tỷ đồng.+ Thanh toán TPĐB: 119.048 tỷ đồng.+ Cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với 65 khoản nợ của 37 khách hàng với dư nợ gốc: 1.138 tỷ đồng. + Miễn giảm lãi đối với 1.905 khoản nợ của 1.602 khách hàng với số tiền miễn giảm lãi: 4.452 tỷ đồng.+ Điều chỉnh lãi suất đối với 262 khoản nợ của 186 khách hàng với dư nợ gốc: 2.236 tỷ đồng.
 – Từ năm 2017 đến nay, VAMC chuyển trọng tâm sang mua nợ theo giá trị thị trường và xử lý nợ đã mua. Lũy kế từ năm 2017 đến 30/9/2018: VAMC đã mua nợ theo giá trị thị trường đối với 16 khoản nợ của 06 TCTD với tổng giá mua nợ đạt trên 4.200 tỷ đồng (tổng dư nợ gốc 4.000 tỷ đồng). Sau khi mua nợ, VAMC đã triển khai các giải pháp xử lý nợ như làm việc, đôn đốc khách hàng trả nợ, thu giữ, bán đấu giá, bán thỏa thuận TSBĐ, hỗ trợ bên mua tài sản hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến chuyển nhượng dự án;… qua đó đã thu hồi được trên 3.500 tỷ đồng.
DATC
 DATC được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg ngày 05/06/2003 với mục tiêu xử lý nợ và tài sản tồn đọng, góp phần làm lành mạnh hóa tài chính doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình sắp xếp và chuyển đổi các doanh nghiệp Nhà nước.
 Hoạt động trọng tâm là mua bán nợ và tài sản, hỗ trợ doanh nghiệp và các TCTD trong xử lý nợ xấu. Từ năm 2004, DATC đã tham gia các phương án xử lý nợ và tài sản theo nhiệm vụ Chính phủ giao và theo cơ chế thị trường. 06 tháng đầu năm 2018, DATC đã mua để xử lý gần 1.500 tỷ đồng nợ phải thu của các TCTD [2].
 Tuy nhiên, DATC hoạt động trên nguyên tắc mua nợ xấu chủ yếu theo đối tượng vay, đa phần là các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp cổ phần. DATC hoạt động như một tổ chức tái cơ cấu doanh nghiệp, mua nợ xấu để thực hiện cơ cấu phục hồi doanh nghiệp vay nợ.
AMC của các TCTD
 Mô hình Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập theo Quyết định số 150/2001/QĐ-TTg ngày 05/10/2001 để xử lý nợ tồn đọng của các NHTM với mục đích chuyên nghiệp hóa hoạt động quản lý và xử lý nợ xấu, góp phần xử lý nợ xấu nhanh chóng, hiệu quả, từng bước phát triển hoạt động mua bán nợ xấu, quản lý, kinh doanh tài sản.
 Hiện tại, có khoảng hơn 20 AMC thuộc các NHTM đăng ký hoạt động, các AMC đều hoạt động dưới mô hình công ty TNHH một thành viên do ngân hàng mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ. Hiện nay, hoạt động của AMC các NHTM rất đa dạng như: xử lý nợ, thẩm định giá, dịch vụ quản lý tòa nhà, quản chấp kho,…Tuy nhiên, hoạt động chính vẫn là quản lý và xử lý nợ, trong đó một số AMC của NHTM [3] đã thực hiện hoạt động mua, bán nợ xấu của TCTD và AMC khác.
Các chủ thể khác
 Ngoài các chủ thể chính nêu trên, một số chủ thể là cá nhân, doanh nghiệp cũng đã bước đầu tham gia hoạt động mua bán nợ xấu theo Nghị quyết số 42 của Quốc hội. Thời gian qua, VAMC đã bán đấu giá thành công một số khoản nợ xấu cho khách hàng là cá nhân, doanh nghiệp và AMC của TCTD với tổng số tiền trúng đấu giá hơn 386 tỷ đồng. 

Hàng hóa
 Theo số liệu từ NHNN, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng đến tháng 6/2018 là 2,09%, ước khoảng 143.000 tỷ đồng. Nếu tính cả nợ xấu đã bán cho VAMC thanh toán bằng TPĐB và các khoản nợ tiềm ẩn rủi ro chuyển thành nợ xấu thì tổng nợ xấu vào khoảng 468.000 tỷ đồng, chiếm 6.67%/tổng dư nợ [4].
 Số nợ xấu trên được xử lý thông qua các biện pháp: Đôn đốc thu hồi nợ; Bán TSBĐ; Cơ cấu lại nợ; Trích lập dự phòng rủi ro;…Tổng dư nợ gốc các khoản nợ xấu được VAMC mua theo giá thị trường từ năm 2017 đến nay đạt hơn 4.000 tỷ đồng chiếm khoảng 2,8% tổng nợ xấu nội bảng của toàn ngành Ngân hàng, nếu tính cả số nợ xấu đã bán cho VAMC bằng TPĐB và nợ tiềm ẩn rủi ro chuyển thành nợ xấu thì số nợ xấu VAMC xử lý theo giá trị thị trường chỉ chiếm 0,85%. Các số liệu trên cho thấy, khối lượng hàng hóa cho thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam là tương đối dồi dào.  

Hạ tầng cho thị trường mua, bán nợ xấu
Hiện có 02 loại tổ chức đóng vai trò hỗ trợ để thực hiện các khâu trong quá trình mua, bán nợ xấu, đó là tổ chức đấu giá và  tổ chức thẩm định giá.
Các tổ chức đấu giá
 Tính đến tháng 9/2018, Việt Nam có 408 tổ chức đấu giá tài sản, bao gồm 61 Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản và 347 Công ty đấu giá.  
Về mô hình tổ chức: Các Trung tâm dịch vụ đấu giá là đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc sở Tư pháp các địa phương (mỗi tỉnh có 01 Trung tâm). Các Công ty đấu giá là các đơn vị tư nhân được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật về đấu giá tài sản. 
Về hoạt động: Một số tổ chức đấu giá tài sản hoạt động khá mạnh và uy tín như: Trung tâm đấu giá Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Dương, Công ty Thành An, Công ty Lạc Việt,… Tuy nhiên, phần nhiều các doanh nghiệp đấu giá quy mô còn nhỏ, chưa có kinh nghiệm trong bán đấu giá khoản nợ. 
 VAMC tuy không phải là một doanh nghiệp đấu giá tài sản nhưng được pháp luật quy định có chức năng bán đấu giá (VAMC không cung cấp dịch vụ bán đấu giá mà chỉ thực hiện bán đấu giá tài sản là khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu VAMC đã mua). Từ khi thành lập Ban Đấu giá tài sản, VAMC đã tự tổ chức đấu giá thành công 04 khoản nợ xấu với tổng số tiền trúng đấu giá hơn 386 tỷ đồng.
Các tổ chức thẩm định giá
 Hiện có khoảng 250 doanh nghiệp thẩm định giá đang hoạt động. Thời gian qua, để mua bán các khoản nợ xấu theo giá thị trường, VAMC và các TCTD đều thuê các công ty thẩm định giá chuyên nghiệp để thực hiện thẩm định giá khoản nợ làm cơ sở xác định giá mua, bán. Tuy nhiên, phần nhiều các doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm trong việc thẩm định giá khoản nợ nên còn lúng túng khi thực hiện. Có tình trạng cùng một tài sản nhưng các tổ chức thẩm định giá khác nhau cho kết quả khác nhau. Thực tế hoạt động thẩm định vẫn chưa thực sự độc lập, khách quan. 

MỘT SỐ HẠN CHẾ VÀ SỰ CẦN THIẾT PHẢI PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG MUA BÁN NỢ XẤU TẬP TRUNG
Một số hạn chế
 Hoạt động mua, bán nợ xấu thời gian qua đã có một số thành công bước đầu tạo tiền đề cho việc hình thành và phát triển của thị trường mua, bán nợ xấu tập trung, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và vướng mắc.  
Khung pháp lý chưa hoàn thiện. Nghị quyết 42 của Quốc hội mang tính chất thí điểm, có thời hạn, chỉ áp dụng với TCTD và Tổ chức mua bán xử lý nợ xấu do Nhà nước sở hữu 100% vốn, trong khi để hình thành thị trường, các chủ thể tham gia phải bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Nghị định 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016 nhưng đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn.
Các chủ thể tham gia thị trường vừa thiếu lại vừa yếu. Hiện tại, mới chỉ có VAMC, DATC, AMC của các TCTD và một số tổ chức, cá nhân khác tham gia vào hoạt động mua, bán nợ xấu. Số lượng cũng như giá trị các khoản nợ xấu được mua, bán theo giá thị trường còn thấp so với tổng số nợ xấu.
 Trong số các chủ thể tham gia mua bán nợ xấu, ngoài VAMC và DATC có quy mô vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng trở lên, các AMC và một số chủ thể khác đều hạn chế về vốn. Nguồn vốn bị hạn chế, trong khi tốc độ xử lý nợ xấu chậm (có những khoản nợ phải mất vài năm để xử lý) càng gây khó khăn cho các chủ thể tham gia. Hoạt động mua, bán nợ xấu hiện cần có một đơn vị đầu mối đủ năng lực đóng vai trò trung tâm thúc đẩy thị trường.
Hạ tầng thị trường mới bước đầu hình thành. Hệ thống thông tin về hàng hóa và các chủ thể tham gia còn thiếu, chưa được chuẩn hóa và chưa có 01 đơn vị làm đầu mối thu thập, phân loại, xác thực và quản lý thông tin. Các tổ chức định giá còn thiếu kinh nghiệm, chưa có đầy đủ thông tin, cơ sở pháp lý trong việc xác định giá trị khoản nợ xấu, giá khởi điểm của khoản nợ xấu (qua thực tế các khoản nợ VAMC đã mua theo giá trị thị trường, việc xác định giá trị khoản nợ xấu vẫn dựa chủ yếu vào giá trị TSBĐ).
 Hoạt động của các tổ chức bán đấu giá chưa chuyên nghiệp, đa phần có quy mô nhỏ, thiếu kinh nghiệm bán đấu giá khoản nợ xấu. Số doanh nghiệp thực chất hoạt động chuyên nghiệp về bán đấu giá tài sản trong tổng số doanh nghiệp có đăng ký hoạt động bán đấu giá tài sản là rất ít. Phần lớn doanh nghiệp còn lại có đăng ký hoạt động bán đấu giá tài sản nhưng trên thực tế chưa thực hiện phiên đấu giá nào.

Sự cần thiết phải phát triển thị trường mua bán nợ xấu tập trung
 Xuất phát từ thực trạng và những tồn tại, hạn chế của hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu thời gian qua, với yêu cầu xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, tạo ra sự ổn định bền vững cho hệ thống ngân hàng trong bối cảnh nguồn lực của Nhà nước có hạn đòi hỏi cấp thiết phải hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ xấu tập trung. Việc phát triển thị trường mua bán nợ xấu tập trung sẽ giúp:
Tháo gỡ nút thắt về vốn để xử lý nợ xấu trong điều kiện không sử dụng ngân sách nhà nước. Hiện nay, khối lượng nợ xấu cần xử lý rất lớn, với điều kiện không sử dụng NSNN, trong khi số lượng chủ thể tham gia ít với nguồn lực có hạn, việc xử lý nợ xấu “đơn lẻ” chủ yếu bằng vốn tự có như thời gian qua là rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu xử lý nhanh, thực chất nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng.
 Việc hình thành thị trường mua bán nợ xấu tập trung sẽ huy động nguồn lực của nhiều thành phần kinh tế nhất là khu vực kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tham gia, qua đó, giúp tháo gỡ nút thắt về nguồn vốn để xử lý nhanh nợ xấu mà vẫn đảm bảo không sử dụng NSNN.
Tạo ra kênh đầu tư mới trên thị trường, thúc đẩy kinh tế phát triển. Mặc dù hoạt động mua bán nợ xấu theo giá trị thị trường mới được VAMC tập trung triển khai từ tháng 8 năm 2017, nhưng đến nay đã khẳng định hướng đi đúng đắn, có rất nhiều nhà đầu tư muốn tham gia thị trường. Do vậy, khi thị trường mua bán nợ xấu phát triển sẽ là kênh thu hút các nhà đầu tư tham gia. 
Thị trường mua, bán nợ xấu là cơ sở cho việc hình thành và phát triển thị trường mua, bán nợ trong tương lai. Là một bộ phận của thị trường mua bán nợ, việc hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ xấu sẽ tạo tiền đề thực tế, cụ thể và là căn cứ thực tiễn cho các nhà hoạch định chính sách trong giai đoạn soạn thảo khung khổ pháp lý cho việc hình thành và phát triển của thị trường mua bán nợ tại Việt Nam. 

GIẢI PHÁP ĐỂ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG MUA BÁN NỢ XẤU TẬP TRUNG
 Mặc dù đạt được kết quả đáng ghi nhận đã nêu ở trên, hoạt động mua bán nợ xấu theo giá trị thị trường vẫn còn khá manh mún. Để hình thành và phát triển thị trường mua, bán nợ xấu tập trung, các cơ quan hữu quan, các đơn vị tham gia hoạt động mua, bán nợ xấu cần tích cực phối hợp, triển khai một số giải pháp như sau:
Thành lập Hiệp hội Mua bán nợ xấu Việt Nam
 Hoạt động mua, bán nợ xấu theo giá thị trường thời gian qua được thực hiện một cách đơn lẻ, mạnh ai nấy làm, thiếu sự liên kết, hợp tác, chia sẻ thông tin. Do đó, cần thiết phải thành lập Hiệp hội Mua bán nợ xấu Việt Nam với các hội viên đầu tiên và chủ chốt gồm VAMC, DATC và AMC của các TCTD. 
 Mục tiêu hoạt động của Hiệp hội: Tập hợp các hội viên để hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ thông tin trong hoạt động mua, bán nợ xấu, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên trong quá trình mua, bán, xử lý nợ xấu, đồng thời làm cầu nối giữa các hội viên với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình xây dựng khung khổ pháp lý cho việc hình thành và phát triển của thị trường mua, bán nợ xấu tập trung.
Thành lập Sàn giao dịch mua bán nợ xấu 
 Để tăng thêm chủ thể tham gia thị trường, minh bạch hóa thông tin các khoản nợ xấu, TSBĐ, công khai các quy định, thủ tục, cách thức thực hiện giao dịch, thúc đẩy thanh khoản trên thị trường nhất thiết phải thành lập Sàn giao dịch mua, bán nợ xấu, trong đó VAMC sẽ đóng vai trò trung tâm để cung cấp thông tin về nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu đã được đánh giá, phân loại, hoàn thiện đầy đủ các thủ tục pháp lý để có thể niêm yết, mua bán trên Sàn giao dịch.
 Sàn giao dịch sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu của bên mua, bên bán thông qua các cơ chế đăng ký, cung cấp, bảo mật thông tin và đặc biệt là thông qua các nhà môi giới chuyên nghiệp – đội ngũ nắm giữ các thông tin cần thiết liên quan đến hàng hóa của thị trường, đầu mối sắp xếp cho bên mua, bên bán gặp nhau để thực hiện giao dịch và hơn nữa là thực hiện các thủ tục mua bán một cách chuyên nghiệp, đảm bảo an toàn về pháp lý cho các giao dịch, góp phần tăng thanh khoản cho hoạt động mua bán nợ xấu.
 Với quy định chặt chẽ, công khai, minh bạch, thông tin đáng tin cậy, đội ngũ quản lý, môi giới chuyên nghiệp, sàn giao dịch mua bán nợ xấu là nơi các TCTD có thể tiếp cận các nhà đầu tư khi có nhu cầu xử lý danh mục nợ xấu để thu hồi vốn và ngược lại sàn giao dịch là nơi tập trung các nhà đầu tư, tạo ra kênh đầu tư mới đáng tin cậy.
Đề nghị Quốc hội xem xét ban hành Luật xử lý nợ xấu 
 Như đã đề cập ở trên, Nghị quyết 42 hiện chỉ được áp dụng đối với TCTD và Tổ chức mua bán xử lý nợ xấu do Nhà nước sở hữu 100% vốn, mang tính chất thí điểm và có thời hạn. Để tạo lập thị trường mua bán nợ xấu tập trung, thu hút nhiều các chủ thể tham gia thì cần phải có sự công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các chủ thể.
 Khi kết thúc thời hạn hiệu lực của Nghị quyết 42 (tháng 8 năm 2022) hoặc một thời hạn sớm hơn tùy thuộc vào sự phát triển của thị trường mua bán nợ (khoảng năm 2020 khi Nghị quyết 42 đã đi được nửa chặng đường), trên cơ sở tổng kết những thành công của Nghị quyết 42, cơ quan chức năng cần nghiên cứu luật hóa nội dung Nghị quyết 42 theo hướng áp dụng cho tất cả các chủ thể tham gia thị trường mua, bán nợ xấu đồng thời chỉ đạo sửa đổi, bổ sung những bất cập, vướng mắc của các quy định pháp luật có liên quan trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42 được nêu dưới đây.
Sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu
Quyền nhận thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của bên mua khoản nợ xấu.  Luật Đất đai 2013 quy định chủ thể sử dụng một số loại đất như: Tổ chức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; Đất cảng hàng không, sân bay dân dụng; Tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm; Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam (Khoản 4 Điều 156, Khoản 2 Điều 174, Khoản 1 Điều 175, Khoản 2 Điều 183) chỉ được thế chấp tại TCTD. Khi thị trường mua bán nợ xấu phát triển, với sự tham gia đa dạng của các chủ thể mua bán nợ thị trường, việc quy định như trên của Luật Đất đai 2013 sẽ gây khó khăn cho việc nhận chuyển giao TSBĐ, nhận bổ sung TSBĐ của các chủ thể mua nợ xấu là tổ chức không phải TCTD, cá nhân.
Quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở. Theo Điều 10 Nghị quyết 42, việc chuyển nhượng TSBĐ của khoản nợ xấu là Dự án BĐS không bắt buộc phải có giấy chứng nhận. Tuy nhiên, Điểm b Khoản 2 Điều 194 Luật Đất đai 2013 quy định: “Đối với các dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở thì được chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có Giấy chứng nhận”. 
 Về thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đã đăng ký thế chấp. Khoản 1 Điều 18 Nghị định 102/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 về đăng ký biện pháp giao dịch bảo đảm chỉ quy định trường hợp: “Rút bớt, bổ sung hoặc thay thế bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm theo thỏa thuận của bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm”. 
 Theo quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 13 Nghị định 53/2013/NĐ-CP, VAMC trở thành bên nhận bảo đảm và được thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm dựa trên hợp đồng mua bán nợ xấu mà không phải ký lại hợp đồng bảo đảm với bên bảo đảm. Các quy định này đang mâu thuẫn nên khi bên mua nợ đi đăng ký thay đổi bên nhận bảo đảm thì các văn phòng đăng ký nhà đất, Sở Tài nguyên Môi trường từ chối giải quyết do chưa có hướng dẫn hoặc yêu cầu phải có Hợp đồng sửa đổi, bổ sung Hợp đồng thế chấp, chữ ký của bên thế chấp trên Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp. Trên thực tế, điều này là không khả thi vì bên bảo đảm thường bất hợp tác trong việc hoàn thiện hồ sơ đăng ký thế chấp.
 Về thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho cá nhân mua nợ. Theo Điểm c Khoản 1 Điều 99 Luật Đất đai 2013 thì người nhận quyền sử dụng đất khi xử lý hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất để thu hồi nợ thì được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. 
 Trong trường hợp VAMC xử lý nợ bằng biện pháp nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm thì Thông tư số  24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017) có quy định tại Điều 9b về trường hợp đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho tổ chức mua bán nợ theo quy định tại Nghị quyết 42. Tuy nhiên, chưa có hướng dẫn đối với trường hợp bên mua nợ là tổ chức, cá nhân khác (không phải là tổ chức mua, bán nợ theo Nghị quyết 42) được đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm.
Đề nghị Quốc hội xem xét ban hành Luật Chứng khoán hóa các khoản nợ xấu
 Chứng khoán hóa chính là quá trình đưa các khoản nợ xấu từ thị trường mua bán ban đầu (thị trường sơ cấp) sang thị trường thứ cấp nơi mà các chứng khoán này có thể mua đi bán lại. Chứng khoán hóa sẽ chuyển các khoản nợ xấu kém thanh khoản thành chứng khoán thanh khoản cao. Đối với các khoản nợ xấu, việc chứng khoán hóa nợ xấu sẽ giúp các TCTD thu hồi vốn ngay để tiếp tục kinh doanh, tài trợ vốn cho các chủ thể trong nền kinh tế. 
 Tham gia quá trình chứng khoán hóa có 4 chủ thể chính là: (i) Người đi vay hoặc/và bên bảo đảm; (ii) Tổ chức tập hợp, phân loại, đóng gói các khoản vay hoặc tài sản bảo đảm để phát hành chứng khoán; (iii) Nhà đầu tư mua, bán chứng khoán; (iv) TCTD. Ở đây, rủi ro sẽ được chuyển từ TCTD có nợ xấu sang nhà đầu tư sở hữu chứng khoán.
 Để thực hiện thành công giải pháp này, thông tin về khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm phải công khai, minh bạch, đáp ứng đầy đủ thủ tục pháp lý, trong đó VAMC là cơ quan có đủ cơ sở và tiềm lực để thực hiện chức năng này, cùng với sự tham gia của các tổ chức đánh giá, xếp hạng các khoản nợ xấu, kết hợp với một khung khổ pháp lý hoàn thiện để đảm bảo nhà đầu tư chứng khoán thực thi được quyền của mình đối với tài sản mà họ đã mua, đảm bảo thu hồi số tiền đã đầu tư và tạo ra lợi nhuận.
 Tóm lại, trong bối cảnh nợ xấu của hệ thống ngân hàng còn cao và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng trở lại, đòi hỏi các cơ quan hữu quan, TCTD, tổ chức tham gia mua bán, xử lý nợ xấu phải áp dụng đồng bộ các giải pháp để xử lý, thu hồi nợ xấu trong đó phát triển thị trường mua bán nợ xấu tập trung được coi như một giải pháp đột phá. Hy vọng những khuyến nghị được nêu trong bài viết sẽ giúp hình thành và phát triển một thị trường mua bán nợ xấu tập trung qua đó, hình thành một kênh bền vững góp phần xử lý nhanh, triệt để nợ xấu tạo sự ổn định vững chắc lâu dài cho hệ thống các TCTD ở Việt Nam.

 

[1] Bài báo là một phần của Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước “Luận cứ khoa học cho việc hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ của doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng của Việt Nam”, thuộc chương trình KX01/16-20

[2] https://m.baomoi.com/doanh-thu-tu-hoat-dong-mua-ban-no-cua-datc-tang-25/c/27043645.epi

[3] AMC của: Ngân hàng TMCP Việt Á, Ngân hàng TMCP Quân đội,…Trong đó, AMC của 01 TCTD đã trúng đấu giá 01 khoản nợ xấu VAMC bán đấu giá.

[4] Thông tin trên được NHNN công bố tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 1 năm triển khai Nghị quyết số 42 và Quyết định số 1058 về xử lý nợ xấu, tổ chức ngày 28/8/2018.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. The World Bank, Public Asset Management Companies – A Toolkit.

2. DBA International. 2011. “The debt buying industry”. White paper.

3. Liquidity and Funds Management (1997), “Asset Securitization: Comptroller’s Handbook”, Comptroller of the Currency – Administrator of National Banks.

4. Học viện Chính sách và Phát triển, Vai trò của Nhà nước trong phát triển hệ thống tài chính Việt Nam (2016).

5. Lê Vĩnh Triển, Nguyễn Huỳnh Nhụy (2012), “Mô hình chứng khoán hóa cho thị trường tài chính Việt Nam”, Tạp chí Ngân hàng, Số 7 – Tháng 4/2012.

6. Luật Chứng khoán 70/2006/QH11 quy định về chứng khoán và thị trường chứng khoán, Quốc hội ban hành ngày 29 tháng 06 năm 2006.

7. Luật Chứng khoán sửa đổi 62/2010/QH12 bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11, Quốc hội ban hành ngày 24 tháng 11 năm 2010.

8. Nghị định 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, Chính phủ ban hành ngày 18 tháng 05 năm 2013.

 

TS. Nguyễn Tiến Đông

Nguồn: TCNH số 22/2018

(Theo Tạp chí Ngân hàng)