Đây là số liệu tại Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) công bố gần đây.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) vừa ra mắt ấn phẩm Sách Trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022.
Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022, dự báo quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ (B2C) của Việt Nam năm 2022 sẽ đạt 16,4 tỷ USD, đánh dấu năm đầu tiên đạt cột mốc này.
So với năm 2015 (năm bắt đầu giai đoạn nở rộ thương mại điện tử tại Việt Nam), dự báo năm 2022 trị giá thương mại điện tử bán lẻ sẽ tăng gấp 4 lần, từ 4 tỷ USD lên hơn 16 tỷ USD. Dự báo, đến năm 2025, Việt Nam sẽ đạt mức 39 tỷ USD, đứng thứ 2 về tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra, theo số liệu công bố tại Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) công bố, dự báo năm 2022, nền kinh tế thương mại điện tử của Việt Nam sẽ ghi nhận một số kỷ lục năm.
Cụ thể, theo ước tính lần đầu tiên số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến của Việt Nam sẽ đạt 57 triệu người và có thể chạm mốc 60 triệu người. Số lượng mua sắm trực tuyến lần đầu đạt 260 – 285 USD/người. Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C sẽ vượt mốc 7%, đạt từ 7,2% – 7,8% thị phần trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng Việt Nam.
Trước đó, năm 2021, thương mại điện tử của Việt Nam đã đạt mức 13 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng trong top 3 nước có tốc độ tăng trưởng bán lẻ online lớn nhất trong khu vực, chỉ sau Indonesia và Thái Lan.
Phát biểu tại hội thảo “Thương mại điện tử trong Hiệp định UKVFTA-Chìa khoá thúc đẩy tăng trưởng thương mại Việt Nam-Vương quốc Anh” diễn ra trong tháng 1/2022, Giám đốc Trung tâm ứng dụng CNTT xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Minh Thúy dự báo, giao dịch điện tử sẽ tăng trưởng ấn tượng, bao gồm cả khu vực nông thôn. Điều này nhờ vào tác động trong việc triển khai đề án về thương mại điện tử, nâng cao năng lực của người dân trong việc thực hiện giao dịch điện tử.
Trong thời gian tới, xu hướng chuyển dịch sang dùng nền tảng di động sẽ tăng cao do nhu cầu sử dụng điện thoại thông minh. Từ đó, dự báo số lượng người sử dụng và lượt truy cập cũng như các giao dịch sẽ tăng lên. Đặc biệt, thanh toán ví điện tử sẽ dần thay thế thanh toán truyền thống khi đại dịch vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
Nhận định về thị trường TMĐT, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, đại dịch làm tiến độ phát triển ứng dụng cho TMĐT từ người bán đến người mua rút ngắn lại 1-2 năm so với kế hoạch đến năm 2025. Tốc độ tăng trưởng của TMĐT trong các năm gần đây khoảng 30 – 35%/năm và thời gian tới sau đại dịch sẽ là một bức tranh hoàn toàn thay đổi.
Bức tranh mới thay đổi đến từ cả người mua hàng, nhà kinh doanh lẫn các nền tảng bán lẻ trực tuyến. Báo cáo “e-Conomy SEA 2021” chỉ ra rằng, Việt Nam có đến 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới từ khi đại dịch bắt đầu, trong đó 55% đến từ các khu vực không thuộc cấp thành thị.
Mức độ duy trì cao khi tiêu dùng kỹ thuật số đã trở thành một lối sống khi có đến 97% người tiêu dùng mới vẫn đang sử dụng dịch vụ và 99% có ý định tiếp tục sử dụng trong tương lai. Trong khi đó, 30% nhà bán hàng kỹ thuật số tin rằng họ không thể vượt qua đại dịch nếu không có các nền tảng kỹ thuật số. Chính vì vậy, cuộc chiến trên sàn TMĐT trong năm 2022 sẽ là cuộc chiến giành click của khách hàng.
Còn nhớ, giữa tháng 5/2021, khi những đồi vải thiều ở Lục Ngạn (Bắc Giang) đến độ thu hoạch, nhưng thương lái Trung Quốc sang thu mua rất nhỏ giọt do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Điều này khiến người nông dân rất lo lắng, sợ vải không có đầu ra.
Các bộ ngành, địa phương, sau đó đã kết nối với các sàn thương mại điện tử như Sendo, Voso, Tiki, Lazada, Shopee, Postmart và ngay lập tức các sàn đã đồng loạt mở bán, phân phối vải thiều trên thương mại điện tử.
Việc vải thiều lên “sàn” đã mở ra hướng đi mới trong việc tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân, đồng thời cũng thay đổi thói quen tiêu thụ vải của bà con nông dân và thương lái.
Nếu như mọi năm, việc quản lý của các nhà vườn chủ yếu ghi chép và dựa trên sổ sách, thì năm nay, vải được quản lý bằng bằng mã vạch và tem truy xuất nguồn gốc vì được bán trên các sàn thương mại điện tử.
Cũng nhờ đa dạng các kênh bán hàng, trong đó có kênh online, tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ hết 215.000 tấn vải thiều (tăng 50.000 tấn so với kế hoạch, trong đó xuất khẩu 89.300 tấn, còn lại tiêu thụ nội địa) và thu về 6.821 tỉ đồng.
Theo báo cáo của hằng năm của “SYNC Southeast Asia” (SYNC Đông Nam Á) của Facebook và Công ty tư vấn Bain & Company (Mỹ), Việt Nam được dự báo sẽ là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á vào năm 2026, với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử đạt 56 tỉ USD, gấp 4,5 lần giá trị ước tính vào năm 2021.
Báo cáo cũng cho biết, Việt Nam đang đi đầu trong việc thúc đẩy các thay đổi và nắm bắt cơ hội phát triển dựa trên sự chuyển đổi kỹ thuật số trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19. “Thương mại điện tử thực sự đã chuyển mình từ một kênh phụ trở thành một phần cốt lõi trong chiến lược tăng trưởng của thương hiệu và nhà bán hàng”, ông James Dong, Giám đốc Điều hành Lazada Việt Nam nói.