Trong đó, 10 ngân hàng đầu bảng có khối nợ xấu tuyệt đối 912.316 tỷ đồng, chiếm 76,32% tổng nợ xấu toàn ngành.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HOSE: VPB), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HOSE: CTG) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) là 3 gương mặt có khoản nợ xấu cao hàng đầu, từ 15.000 – 21.000 tỷ đồng. 7 thành viên còn lại trong top 10 đều có khoản nợ xấu dao động từ 2.600 – 9.500 tỷ đồng.
Cụ thể, kết thúc quý 2 /2022, VPBank vươn lên dẫn đầu danh sách ngân hàng có nợ xấu nhiều với 20.553 tỷ đồng, tăng đến 90,3% so cùng kỳ năm ngoái với năm trước.
Về chất lượng nợ vay, Nợ nhóm 5 – Nợ có khả năng mất vốn tăng gấp 2,4 lần chiếm 4.971 tỷ đồng; Nợ nhóm 4 – Nợ nghi ngờ tăng 20% lên 9.019 tỷ đồng, riêng Nợ nhóm 3 – Nợ dưới tiêu chuẩn có mức đi ngang ở mức 6.563 tỷ đồng.
Vị trí “Á quân” khối nợ xấu cao là Vietinbank, khi gánh trên mình khoản nợ xấu 16.667 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với quý 2/2021. Kết quả này từ khoản Nợ nhóm 3 tăng gấp 3,4 lần lên hơn 3.331 tỷ đồng; Nợ nhóm 4 tăng 22% lên mức 1.478 tỷ đồng; Nợ nhóm 5 vẫn là nhóm nợ chiếm tỷ lệ cao nhất với 11.858 tỷ đồng.
BIDV lùi xuống vị trí thứ 3 về nợ xấu 6 tháng đầu năm sau khi dẫn đầu ở cùng kỳ năm trước đó. Cụ thể, cuối quý 2/2022 khoản nợ xấu của nhà băng này đã giảm gần 28,5% xuống còn hơn 15.139 tỷ đồng. Trong đó nhóm nợ có khả năng mất vốn giảm mạnh tới 45,1%, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm xuống.
Chất lượng nợ vay của các nhà băng trong 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận nhiều biến động, “bóng đen” nợ xấu đang hiện rõ
7 ngân hàng còn lại trong top 10 về nợ xấu gồm có Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (HOSE: SHB) với 9.494 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VietcomBank, HOSE: VCB) 6.864 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HOSE: VIB) 5.434 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HOSE: STB) 5.283 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Quân Đội (HOSE: MBB) 4.975 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB, HOSE: NVB) 4.899 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, HOSE: LPB) 3.179 tỷ đồng.
Như vậy trong bảng xếp hạng 10 ngân hàng có nợ xấu lớn nhất 6 tháng đầu năm 2022, NCB là gương mặt mới gia nhập, ACB đã rời khỏi danh sách này.
Ngày 30/6/2022, Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN về việc cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã chính thức hết hiệu lực. Giới chuyên môn cho rằng, sau thời điểm trên, nợ xấu do Covid-19 gây ra sẽ dần lộ diện nhưng việc chủ động trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng khiến cho những lo lắng sẽ giảm dần.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 4/2022, luỹ kế giá trị nợ đã cơ cấu từ khi ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN là hơn 695.000 tỷ đồng cho trên 1,1 triệu khách hàng. Dư nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ hiện còn hơn 198.000 tỷ đồng của gần 680.000 khách hàng; lũy kế giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ là gần 91.000 tỷ đồng cho gần 490.000 khách hàng. Dư nợ miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ còn gần 18.000 tỷ đồng của hơn 166.000 khách hàng.