Xử lý nợ xấu: vướng thuế, tranh chấp

Theo TTO – Dù khách hàng chủ động hợp tác để trả nợ, nhưng nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng đến nay vẫn còn khoảng 6,7%.

TTO – Dù khách hàng chủ động hợp tác để trả nợ, nhưng nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng đến nay vẫn còn khoảng 6,7%.

Xử lý nợ xấu: vướng thuế, tranh chấp - Ảnh 1.
Nhiều ngân hàng đã giảm được nợ xấu, có lãi, từng bước giảm lãi suất cho vay. Trong ảnh: tại phòng giao dịch một ngân hàng đã bán được nhiều nợ xấu – Ảnh: V.H.

Nợ xấu có thể tác động đến lãi suất và hoạt động hiệu quả của các ngân hàng (NH), dù đã được chỉ đạo xử lý quyết liệt nhưng nhiều NH cho biết vẫn tồn tại không ít khó khăn khiến… việc xử lý bị ách tắc.

Đau đầu vì thuế

Báo cáo về kết quả xử lý nợ xấu trong một năm qua, ông Nguyễn Văn Du – phó chánh thanh tra NH Nhà nước – cho biết từ khi triển khai nghị quyết 42 và quyết định 1058 về xử lý nợ xấu, toàn hệ thống NH đã xử lý được 138.200 tỉ đồng nợ xấu. 

Trong đó nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) là 46.460 tỉ đồng. 

Theo ông Du, điểm sáng trong công tác xử lý nợ xấu một năm qua là khách hàng đã ý thức trả nợ, khi VAMC và các tổ chức tín dụng (TCTD) có quyền thu giữ tài sản.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Đông – chủ tịch VAMC – cho biết chỉ riêng trong một năm kể từ khi nghị quyết 42 có hiệu lực, VAMC đã xử lý được 48.000 tỉ đồng nợ xấu, chiếm gần một nửa tổng số nợ xấu đã xử lý kể từ khi hoạt động.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc khiến quá trình xử lý nợ xấu bị chậm lại. Theo ông Nguyễn Đình Tùng – tổng giám đốc NH Phương Đông (OCB), cách hiểu của một số cơ quan cũng chưa thống nhất, trong đó thuế cũng là vấn đề khiến NH đau đầu.

Nghị quyết 42 của Chính phủ cho phép các NH thu hồi nợ xấu trước khi nộp thuế khi xử lý tài sản bất động sản. 

Do chưa được hướng dẫn cụ thể nên có trường hợp khi thi hành án, cơ quan thuế đề nghị phải giữ lại phần thuế chờ hướng dẫn cụ thể. Do vậy, có những khoản nợ lẽ ra đã thi hành xong nhưng cuối cùng vì vướng mắc này mà cứ lay lắt.

Do đó, ông Tùng đề nghị cần phải có hướng dẫn pháp lý rõ ràng hơn về nộp thuế khi bán đấu giá tài sản đảm bảo, nhằm đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu cho các NH.

Dựng tranh chấp để… né

Một vấn đề khác cũng khiến việc xử lý nợ xấu gặp khó khăn là đột nhiên xuất hiện các vụ tranh chấp khi NH thu giữ tài sản đảm bảo. 

Ông Nguyễn Hữu Đặng – tổng giám đốc NH Phát triển TP.HCM (HDBank) – dẫn chứng một trường hợp cụ thể của NH này là khi NH thu giữ tài sản thế chấp là một tòa nhà văn phòng thì chủ tòa nhà đã phối hợp với những người thuê phát đơn kiện, khiến việc thi hành án bị đình lại.

“Hiện chưa có định nghĩa cụ thể thế nào là tranh chấp. Do vậy người vay đã lợi dụng để dựng lên các vụ tranh chấp nhằm trì hoãn việc xử lý tài sản thế chấp, đặc biệt là bất động sản. 

Cơ quan chức năng cần sớm có quy định rõ ràng về tranh chấp… nhằm tránh việc dựng lên tranh chấp ngay tại thời điểm thi hành án, dựa trên những tờ giấy viết tay, muốn viết bao nhiêu cũng được” – ông Đặng kiến nghị.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, mặc dù việc mua bán tài sản bằng giấy tay không đúng theo quy định của pháp luật nhưng vẫn có thể được coi là một tranh chấp. 

Nếu người vay không hợp tác sẽ xuất hiện hàng loạt vụ tranh chấp, mẹ kiện con, chồng kiện vợ… tạo thành vụ án khác, mà thực ra những vụ tranh chấp do chính người vay tạo nên nhằm kéo dài thời gian xử lý.

Phải đưa nợ xấu về dưới 3%

Phát biểu tại hội nghị, thống đốc NH Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết nợ xấu hiện còn khoảng 6,76%, giảm so với mức 10,08% báo cáo Quốc hội trước đây, song con số này hiện tại vẫn còn ở mức cao, đòi hỏi phải có những cơ chế chính sách để xử lý hiệu quả hơn.

Để giải quyết nợ xấu nhanh hơn và đạt hiệu quả thiết thực, NH Nhà nước đề xuất thủ tướng có văn bản gửi TAND Tối cao xem xét phối hợp với Viện KSND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp sớm có văn bản chỉ đạo về việc hoàn trả các tài sản đảm bảo là vật chứng của vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ theo nghị quyết 42.

Ông Nguyễn Tiến Đông kiến nghị cần tháo gỡ vướng mắc về thủ tục rút gọn trong xử lý nợ xấu vì dù có quy định này nhưng hơn một năm qua, trong hơn 2.000 vụ việc của các cấp tòa án địa phương, chưa có một hồ sơ nào được xử lý bằng thủ tục rút gọn.

Ông Nguyễn Hoàng Minh – phó giám đốc NH Nhà nước TP.HCM – cũng cho hay việc áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng tại tòa án vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể của TAND Tối cao, khiến các NH gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện và phối hợp với các cơ quan hữu quan.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá công tác xử lý nợ xấu một năm qua đã rất quyết liệt, xử lý nợ xấu đã thực chất hơn. 

Phó thủ tướng giao ngành NH tập trung xử lý và kiểm soát nợ xấu để đến năm 2020 đưa tỉ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại xuống dưới 3%. 

Bên cạnh đó, cần tập trung nguồn lực để xử lý nợ xấu hiệu quả nhằm xử lý dứt điểm các TCTD yếu kém trong thời gian ngắn nhất…

Ông Nguyễn Tiến Đông – Chủ tịch VAMC:

Xử lý 100.000/280.000 tỉ nợ xấu đã mua

nguyễn tiến đông

Chỉ riêng trong một năm kể từ khi nghị quyết 42 có hiệu lực, VAMC đã xử lý được gần một nửa tổng số nợ xấu kể từ khi hoạt động. 

Còn từ năm 2013 đến nay, công ty đã xử lý được khoảng 100.000 tỉ đồng nợ xấu trên tổng số gần 280.000 tỉ nợ xấu đã mua từ các tổ chức tín dụng. 

Nhờ việc tăng quyền cho các chủ nợ khiến khách hàng không còn chây ì, không hợp tác, thay vào đó đã chủ động trả nợ, thanh lý tài sản hoặc bàn giao tài sản đảm bảo… 

Ngay cả những khoản nợ 5-7 năm trong khi trước kia đều nói không trả được nợ cũng đã xử lý được…

Đã tự xử lý được nợ xấu

Theo NH Nhà nước, từ năm 2012 đến hết tháng 6 năm nay, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 785.900 tỉ đồng nợ xấu. Điều đáng nói trong số 58.800 tỉ đồng được xử lý 6 tháng đầu năm có 56.740 tỉ đồng do các tổ chức tín dụng tự xử lý. 

Ngược lại với giai đoạn trước đó, nợ xấu được các tổ chức tín dụng xử lý chủ yếu là bán cho VAMC.

Theo tuoitre.vn