‘Cần phân biệt cầm đồ với tín dụng đen’

Cầm đồ bị hiểu lầm là tín dụng đen xuất phát từ việc lãi suất cầm đồ thường cao hơn lãi suất ngân hàng, theo bà Đỗ Thị Hằng, Luật sư cao cấp Công ty Luật TNHH BFSC.

Cầm đồ là dịch vụ đã phổ biến từ lâu, đến nay có không ít ý kiến cho rằng cầm đồ là một hình thức tín dụng đen. Tuy nhiên, luật sư Đỗ Thị Hằng cho biết, hoạt động cầm đồ là hợp pháp, được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và nhiều nghị định khác nhau.

Theo đó, cầm đồ là dịch vụ cho vay tiền mà người vay phải có tài sản hợp pháp để cầm cố. Đơn vị, cá nhân kinh doanh dịch vụ cầm đồ phải đảm bảo nhiều điều kiện chặt chẽ. Như vậy, hoạt động kinh doanh cầm đồ không phải là tín dụng đen, được nhà nước thừa nhận và quy định rõ ràng – một hoạt động cho vay nặng lãi với các chỉ dấu nhận biết như không có cơ sở kinh doanh cố định, không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, thường chỉ hoạt động trên môi trường mạng, không cần tài sản thế chấp và lãi suất có khi lên đến 1.000% một năm.

Luật sư Hằng cho rằng, việc lãi suất cầm đồ thường cao hơn lãi suất ngân hàng là nguyên nhân khiến dịch vụ này bị đánh đồng với tín dụng đen. Điều này cũng có thể lý giải, vì cơ sở kinh doanh cầm đồ cũng là một loại doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tín dụng tài chính. Theo đó, trong lãi suất của họ gồm 3 cấu phần là chi phí vốn, chi phí vận hành và chi phí quản trị rủi ro. Về chi phí vốn, khác với ngân hàng, các cơ sở cầm đồ phải huy động vốn từ các định chế tài chính, từ các quỹ đầu tư và cũng chịu lãi suất cho các khoản vay đó.

Ngoài ra, chi phí quản trị rủi ro của loại hình cầm đồ cũng cao hơn so với các ngân hàng. Khi muốn vay từ ngân hàng, người vay phải xác minh địa chỉ cư trú, chứng minh thu nhập và có lịch sử tín dụng tốt. Nhiều người không đáp ứng được các yêu cầu chuẩn ngân hàng và họ sẽ tìm vay ở các công ty tài chính hoặc các cửa hàng cầm đồ. Những điều kiện duyệt vay cho những khách hàng đơn giản, dễ dàng cũng sẽ khiến các cơ sở cầm đồ đối diện với nhiều rủi ro, đặc biệt là khi người vay không có khả năng trả nợ hoặc cố tình giở chiêu trò lừa đảo. Đó là lý do vì sao chi phí vay của các đơn vị cầm đồ thường bao gồm cả chi phí quản trị rủi ro, do đó sẽ nhỉnh hơn so với các ngân hàng.

Khách hàng đang giao dịch tại F88. Ảnh: F88

Khách hàng đang giao dịch tại F88. Ảnh: F88

Được thành lập từ năm 2013, F88 là doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp theo giấy phép do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp. Hoạt động chính của công ty là cung cấp các dịch vụ tài chính tiện ích như thanh toán hoá đơn, nạp tiền điện thoại, nạp rút tài khoản Mobile Money, dịch vụ bảo hiểm nằm viện, bảo hiểm tai nạn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng cung cấp các khoản vay cầm cố tài sản hay còn gọi là cầm đồ.

Hiện mức lãi suất cho vay mà F88 cung cấp là 1,1% một tháng, tương đương 13,2% một năm và vẫn nằm trong khung lãi suất tối đa 20% một năm mà pháp luật quy định. Mức lãi suất này không cao hơn mức lãi suất tiệm cận 1% một tháng của một số ngân hàng. Tuy nhiên, do đặc thù là dịch vụ cầm đồ nên ngoài phần lãi suất, người vay cần phải trả một số khoản phí nhằm bảo quản tài sản của chính mình để khi khi kết thúc hợp đồng vay, tài sản vẫn được bảo quản an toàn, nguyên vẹn.

“Mức phí này sẽ giảm dần theo tỷ lệ trả nợ. Điều này cũng đã được pháp luật quy định nhưng nhiều người đã tự cộng cả chi phí trên vào lãi suất và cho rằng F88 tính lãi suất cao hơn quy định pháp luật. Chính hiểu lầm này đã dẫn đến nhiều bình luận tiêu cực về một hoạt động kinh doanh hợp pháp”, đại diện F88 chia sẻ.

Một phòng giao dịch của F88 tại... Ảnh: F88

Một phòng giao dịch của F88 tại số 245 Lê Duẩn, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Ảnh: F88

Hiện, F88 đã có hơn 800 phòng giao dịch phủ khắp toàn quốc. Trong 10 tháng đầu năm 2022 đã mở mới 200 phòng giao dịch. F88 đang phục vụ nhóm khách hàng dưới chuẩn ngân hàng và các tổ chức tài chính. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tạo công ăn việc làm cho hơn 5.000 lao động, là doanh nghiệp luôn hoàn thành nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước.

Doanh nghiệp có nguồn vốn từ các tập đoàn tài chính, quỹ đầu tư quốc tế như quỹ đầu tư Mekong Capital đã hai lần góp vốn vào các năm 2018 và 2020, quỹ đầu tư Granite Oak (London) cũng hai lần góp vốn vào các năm 2019 và 2020. Mới đây, hai quỹ tài chính quốc tế khác là CLSA và Lending Ark cũng cung cấp khoản vay trị giá 70 triệu USD cho đơn vị.

Sau 9 tháng đầu năm 2022, dư nợ của F88 tăng 246,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp được Fiin Ratings hai năm liên tiếp xếp hạng tín nhiệm BBB – triển vọng ổn định (2021, 2022), được tổ chức đánh giá tín dụng, tài chính vi mô toàn cầu Smart Campaign (Mỹ) hai lần liên tiếp trao chứng chỉ Bảo vệ khách hàng, có hiệu lực từ năm 2019 đến hết 2025. Công ty cũng được kiểm toán bởi 1 trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới là E&Y.

F88 hướng tới việc cung cấp các dịch vụ tài chính một cách nhanh chóng, dễ dàng, minh bạch qua đó làm thay đổi cách tiếp cận tài chính của người lao động phổ thông, giúp cuộc sống của họ trở nên tốt đẹp hơn. Doanh nghiệp cũng đề cao việc tuân thủ các giá trị cốt lõi đã đặt ra; trung thực, chính trực và đặt khách hàng làm trọng tâm.

“Hiện tại, thị trường tài chính vi mô, tài chính toàn diện dành cho người lao động phổ thông tại Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển. Thời gian tới, khi tài chính toàn diện ngày càng được phổ cập sâu rộng hơn sẽ tạo cơ hội cho các đơn vị như F88 khẳng định giá trị và chứng minh rằng cầm đồ hoàn toàn không phải là tín dụng đen”, đại diện F88 cho biết.

 

(Theo Đăng Tuấn – VnExpress)