Những xu hướng định hình thương mại điện tử năm 2023

Để phát triển mạnh trong không gian thương mại điện tử hiện nay, điều quan trọng hơn bao giờ hết là những thương hiệu thương mại điện tử phải đi đầu và áp dụng các xu hướng mới trong kinh doanh.

Đó là nhận định của TS. Thái Lâm Toàn – Viện trưởng Viện Đào Tạo Bách Khoa về thị trường thương mại điện tử (TMĐT) trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Những nguồn lực và xu hướng giúp TMĐT tăng trưởng

Theo TS. Thái Lâm Toàn, dịch bệnh Covid-19 và giãn cách xã hội, cuộc chiến giữa Nga – Ukraina diễn ra, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát, suy thoái… từ 2 năm qua đã và đang tác động rất lớn đến giao thương hàng hóa nhưng TMĐT Việt Nam vẫn tăng trưởng 20% trong năm 2022 và quy mô ước đạt 16,4 tỷ USD. Ước tính số lượng người tiêu dùng Việt mua sắm trực tuyến trong nước năm 2022 là 57 – 60 triệu người, với giá trị mua sắm trực tuyến của một người khoản 5,7 – 6,2 triệu đồng/ 1 năm. Tỷ trọng doanh thu TMĐT (B2C) so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước vào khoảng 7,8%.

TS. Thái Lâm Toàn cho rằng, kết quả tăng trưởng này của ngành TMĐT đến từ nhiều nguồn lực và xu hướng thay đổi:

Đầu tiền là thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng: Đại dịch đã khiến người tiêu dùng dần chuyển hướng từ mua sắm trực tiếp (offline) sang mua sắm trực tuyến (online), TMĐT được xem là một trong những kênh chính phục vụ cho hình thức mua sắm này. Một khảo sát hành vi tiêu dùng trực tuyến vào tháng 3/2022 cho thấy, 73% người tiêu dùng Asean đã xem mua sắm trực tuyến là một phần trong cuộc sống hàng ngày vì sự thoải mái và tiện lợi. Họ cũng sẵn sàng dành công sức và thời gian tìm kiếm các ưu đãi kèm theo tốt nhất để tiết kiệm chi tiêu.

Cùng với đó là cường độ cải tiến và đầu tư liên tục của các nền tảng TMĐT nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao trải nghiệm người dùng: Các sàn TMĐT đã và đang đa dạng mô hình vận hành để doanh nghiệp linh hoạt hơn trong quản lý tồn kho và cung ứng sản phẩm khi kinh doanh trực tuyến và còn đưa ra các giải pháp kèm theo giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí xây dựng gian hàng và quản lý nhân sự, chi phí marketing, chi phí tiếp cận và nâng cao dịch vụ đến khách hàng…

Ngoài ra, là chuyển đổi số hiện đã trở thành giải pháp đắc lực để duy trì hoạt động của nhiều ngành nghề kinh tế: Vì chuyển đổi số (hay TMĐT) đối với doanh nghiệp là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng trong thời gian ngắn hơn, hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên…

Với đặc thù nền tảng công nghệ của thời đại mới, việc chuyển đổi số hiện nay không chỉ là cuộc chơi của những doanh nghiệp lớn với nguồn vốn dồi dào, mà khả năng tiếp cận đã mở rộng hơn đến với cả những doanh nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, tiểu thương,…

Những xu hướng định hình thương mại điện tử năm 2023
TS. Thái Lâm Toàn – Viện trưởng Viện Đào Tạo Bách Khoa

Những xu hướng định hình thương mại điện tử năm 2023

TS. Thái Lâm Toàn cho biết, theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2021” của Google, Temasek và Bain & Company thì doanh thu TMĐT Việt Nam năm 2023 (và những năm tiếp theo) dự kiến tăng gấp 3 lần so với 2022, đạt khoảng 39 tỷ USD. Theo Bộ Công Thương, TMĐT là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Với tốc độ tăng trưởng 20% mỗi năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới.

“Chúng tôi thấy rằng TMĐT là nền tảng đón đầu xu hướng tiêu dùng hiệu quả và phát triển bền vững, bất chấp những khó khăn của kinh tế toàn cầu. Tôi cho rằng doanh nghiệp trong ngành TMĐT cần chiến lược tư duy bền vững, phối hợp giữa công nghệ, nhân sự và cơ sở hạ tầng logistic để đạt được tăng trưởng ổn định và phục vụ tốt cộng đồng”, TS. Thái Lâm Toàn chia sẻ.

Theo TS. Thái Lâm Toàn, trong giai đoạn năm 2021-2022, nền kinh tế và thị trường gặp nhiều biến động do những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lạm phát, suy thoái,… kéo theo nhiều hệ lụy như chuỗi cung ứng bị đứt gãy, hoạt động sản xuất bị đình trệ và tỉ lệ thất nghiệp gia tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, một số sàn TMĐT không chỉ giữ vững tốc độ tăng trưởng mà còn đảm bảo việc làm ổn định cho tất cả nhân viên của sàn và hoạt động kinh doanh cho hàng trăm nghìn nhà bán hàng. Các doanh nghiệp TMĐT cần hoạt động hỗ trợ nhà bán hàng và người tiêu dùng như triển khai dịch vụ giao hàng đa kênh, mở rộng cộng đồng nhà bán hàng, tổ chức các Supershow và lễ hội mua sắm thường xuyên để đáp ứng nhu cầu giải trí và mua sắm liên tục của người tiêu dùng từ Online lẫn Offline, cân bằng giữa phục vụ khách hàng và xây dựng một hệ sinh thái chắc chắn để nâng cao chất lượng vận hành là yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững của các nền tảng TMĐT trong bức tranh của nền kinh tế số thay đổi khắt nghiệt. Phát triển bền vững cũng giúp doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ, đóng góp tốt hơn và dài hạn hơn cho nền kinh tế, xã hội tại Việt Nam.

TS. Thái Lâm Toàn cho rằng, để phát triển mạnh trong không gian TMĐT hiện nay, điều quan trọng hơn bao giờ hết các thương hiệu TMĐT phải đi đầu và áp dụng các xu hướng mới. Những xu hướng sau sẽ định hình lĩnh vực TMĐT trong năm 2023:

Một là, chúng ta phải tập trung vào giá trị khi suy thoái lộ diện: TMĐT năm 2023 sẽ diễn ra trong bối cảnh bất ổn chính trị trên quy mô toàn cầu và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ảnh hưởng đến cả thói quen chi tiêu của người tiêu dùng, chuỗi cung ứng và chi phí hoạt động kinh doanh. Sự do dự trong chi tiêu sẽ cần phải được khắc phục bằng trải nghiệm mua sắm đặc biệt, được hỗ trợ bởi dịch vụ khách hàng tuyệt vời. Khách hàng sẽ có xu hướng tìm đến nơi nào có quy trình trả lại hàng dễ dàng, mô hình bán hàng đa kênh (ominchannel) kết hợp chặt chẽ với các cửa hàng truyền thống, cũng như khả năng nhận đơn đặt hàng của họ để tránh chi phí vận chuyển và giảm lượng khí thải carbon.

“Tôi kỳ vọng các thương hiệu TMĐT sẽ chuyển sang chiến lược ưu tiên giá trị. Đầu tiên, các thương hiệu cần củng cố các điểm cạnh tranh khác biệt và các giá trị gia tăng của mình, ví dụ như chính sách vận chuyển và hoàn trả thân thiện, dịch vụ khách hàng, chương trình khách hàng thân thiết, nhận xét của khách hàng và giới thiệu các sản phẩm được xếp hạng hàng đầu. TMĐT cần thêm các kênh tiếp thị mà người tiêu dùng ưa thích, đặc biệt là tin nhắn điện thoại (SMS)”, TS. Thái Lâm Toàn chia sẻ.

Hai là, triển khai TMĐT một cách bền vững: Năm 2023, thương mại bền vững sẽ đánh bại thương mại nhanh! Thái độ đối với một cuộc sống bền vững hơn đã thay đổi đáng kể trong những năm qua, nhưng nó vẫn không được coi là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng. Chỉ 8% khách hàng sẽ hành động bằng cách hủy đơn đặt hàng nếu không có các mô hình giao hàng xanh. May mắn thay, việc ký kết “Thỏa thuận xanh châu Âu” đã buộc các công ty phải hành động và một vài công ty khác đầu tư vào các lựa chọn vận chuyển xanh và bao bì bền vững. Việc vận chuyển và bên bán hàng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi hành vi bền vững của người tiêu dùng.

Ba là, tầm quan trọng của trải nghiệm thương hiệu: Xu hướng lớn nhất trong tiếp thị TMĐT năm 2023, ngoài việc tăng chi phí quảng cáo, chắc chắn sẽ là nâng cao thương hiệu và hệ thống lấy thương hiệu làm trung tâm. Google sẽ tiếp tục cung cấp cho các công ty marketing ít dữ liệu hơn do các quy định về quyền riêng tư. Do đó, các thương hiệu thương mại điện tử sẽ cần đặt thương hiệu làm trọng tâm trong mọi hoạt động của họ để tạo ra trải nghiệm độc đáo và đáng nhớ.

Tính minh bạch, xác thực và dễ tiếp cận đã có sẵn và sẽ tiếp tục phát triển. Sự hiện diện phổ biến của các video cá nhân trên các nền tảng xã hội như LinkedIn, Instagram, Youtube hoặc TikTok…đóng góp đáng kể vào việc tiếp thị.

Bốn là, xu hướng mua sắm trực tiếp trên mạng xã hội: Mua sắm trên các nền tảng truyền phát trực tiếp sẽ tiếp tục làm bùng nổ sự phát triển của các thương hiệu DTC (mô hình kinh doanh mà doanh nghiệp trực tiếp bán sản phẩm đến khách hàng thông qua những cửa hàng chính hãng, website, fanpage, các trang thương mại điện tử mà không thông qua bất kỳ trung gian phân phối nào).

“Bán hàng trực tiếp là một công cụ mạnh mẽ được thúc đẩy bởi mạng xã hội. Bạn có thể tiếp cận khách hàng của mình để đẩy nhanh quyết định mua hàng, tăng cường sự tham gia của người mua và nâng cao trải nghiệm sản phẩm với các kênh giới thiệu sản phẩm thực tế”. Ngoài ra, thương mại trực tiếp hứa hẹn tạo ra những con số doanh thu và tỷ lệ chuyển đổi hấp dẫn. Đây chắc chắn là một xu hướng cần theo dõi trong năm 2023”, TS. Thái Lâm Toàn nhận định.

(Theo Quang Tuấn – Thuongtruong.com.vn)