Theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 9/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,55% – gần bằng mức cuối năm 2023. Trong báo cáo vừa cập nhật về triển vọng ngành Ngân hàng của SSI Research, đơn vị này cho biết, tỷ lệ nợ xấu tại NHTM Nhà nước và NHTM cổ phần lần lượt tăng lên 1,49% và 2,59% trong quý III/2024.
Sự phân hóa giữa các ngân hàng
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nợ xấu tăng phản ánh tình hình thực tế. Đó là đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống, xã hội, doanh nghiệp và người dân khó khăn, giảm nguồn thu dẫn đến việc trả nợ càng gặp thách thức. Hơn nữa, những ảnh hưởng từ cơn bão Yagi đã khiến hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp ở 26 tỉnh, thành bị ảnh hưởng. Cập nhật gần nhất từ NHNN cho thấy toàn hệ thống đã ghi nhận khoảng 192.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi, tăng 27.000 tỷ đồng so với con số ước tính hồi cuối tháng 9/2024. Các khoản nợ này đang được các ngân hàng tái cơ cấu, do đó cũng đồng nghĩa với rủi ro nợ xấu tiềm ẩn trong tương lai sẽ tăng lên.
Mặt khác, Thông tư 06/2024/TT/NHNN sửa đổi bổ sung Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn của ngành Ngân hàng chỉ còn hơn một tháng nữa là hết hiệu lực, điều này cũng sẽ làm tăng nợ xấu nội bảng của TCTD. Theo NHNN, lũy kế đến ngày 31/8/2024, tổng giá trị nợ gốc và lãi được các TCTD cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là gần 250.000 tỷ đồng.
TS. Châu Đình Linh, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, khi ngân hàng tăng trưởng tín dụng thì tất yếu sẽ phải đánh đổi sự gia tăng của tỷ lệ nợ xấu. Tuy nhiên, sự gia tăng và tình trạng nợ xấu ở các ngân hàng sẽ có sự phân hoá. Điều này phụ thuộc vào một số yếu tố như hệ thống quản trị rủi ro, tiêu chuẩn chấp hành về chất lượng tài sản, an toàn vốn, quy định về Basel mà họ đang triển khai… Vì vậy, tỷ lệ nợ xấu có tăng nhưng vẫn an toàn ở một số ngân hàng lớn, có khả năng kiểm soát rủi ro tốt. Còn ở nhóm ngân hàng nhỏ và trung bình, tỷ lệ nợ xấu đang ở mức khá cao và các nhà băng phải thực sự có những phương án xử lý trước mắt và nâng cao khả năng quản trị trong dài hạn.
Nợ xấu tăng khiến các ngân hàng phải gia tăng trích lập dự phòng. Theo PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân – Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, việc trích lập bao nhiêu sẽ tuỳ “sức khỏe” của mỗi ngân hàng, chính vì vậy, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giữa các ngân hàng cũng có sự khác biệt. Ngân hàng nào hoạt động hiệu quả, có kết quả kinh doanh tốt sẽ trích lập dự phòng cao và họ coi đây như “của để dành”, đảm bảo hoạt động ổn định trong dài hạn. Còn một số ngân hàng có lợi nhuận không cao, dù muốn cũng không thể trích lập nhiều mà chỉ trích đủ, nên tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức khiêm tốn. Với bộ đệm dự phòng mỏng, các ngân hàng này sẽ gặp khó khăn hơn khi phải xử lý các khoản vay tiềm ẩn rủi ro chuyển thành nợ xấu.
Xử lý tài sản đảm bảo không phải “cây đũa thần”
Đề cập đến vấn đề xử lý nợ xấu, nhiều lãnh đạo ngân hàng bộc bạch một trong những áp lực lớn đó là Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đã hết hiệu lực thi hành nhưng một số quy định không được kế thừa trong Luật Các TCTD 2024. Đặc biệt là vấn đề hỗ trợ từ các cơ quan công an, chính quyền địa phương trong việc thực thi quyền thu giữ tài sản đảm bảo của chủ nợ không đồng đều. Thực tế, tình trạng không hợp tác, chây ỳ, chống đối trong việc trả nợ và bàn giao tài sản đảm bảo, nợ xấu đang có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, các cơ quan có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ TCTD trong quá trình xử lý nợ xấu, thu giữ tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu. Trong đó, công tác tố tụng giải quyết vụ án tại Tòa án các cấp và thi hành án cần được giải quyết rút gọn, đẩy nhanh tiến độ.
Thừa nhận việc Nghị quyết 42 hết hiệu lực thi hành đã gây khó khăn trong vấn đề xử lý nợ xấu của các ngân hàng, tuy nhiên theo TS. Châu Đình Linh, xử lý tài sản đảm bảo không phải “cây đũa thần” để giảm tỷ lệ nợ xấu. Trên thực tế, trong thời gian triển khai Nghị quyết 42, ngành Ngân hàng vẫn đối mặt với sự chống đối của những người đi vay thông qua rất nhiều biện pháp khác nhau mà Nghị quyết 42 chưa thể lường trước được. Vì vậy, theo vị chuyên gia này, quan trọng đó là “đầu vào” của khoản nợ, ngân hàng nên tăng cường trong việc thẩm định, lựa chọn khách hàng tốt. “Bản chất của việc thẩm định một khách hàng tốt nằm ở phương án kinh doanh chứ không hoàn toàn là tài sản đảm bảo. Nếu có phương án kinh doanh, năng lực tài chính tốt, khách hàng sẽ đảm bảo khả năng trả nợ”, TS. Châu Đình Linh phân tích thêm. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng cần thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ, gia cố bộ đệm, tăng tiềm lực tài chính để chủ động xử lý nợ xấu.
Trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 khoá XV, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, để kiểm soát nợ xấu, NHNN yêu cầu với các TCTD, khi cho vay cần thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng về khả năng trả nợ của khách hàng vay, đảm bảo kiểm soát nợ xấu mới phát sinh. Còn đối với các nợ xấu hiện hữu, cần tích cực xử lý nợ xấu thông qua việc đôn đốc khách hàng trả nợ, thu nợ, phát mại tài sản của nợ xấu. NHNN cũng đã có khuôn khổ pháp lý đối với các công ty mua bán nợ để có thể tham gia xử lý nợ xấu.
Nỗi lo nợ xấu vẫn thường trực nhưng cũng có nhiều tín hiệu lạc quan trong thời gian tới. Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng bức tranh nợ xấu sẽ có tín hiệu khả quan từ quý cuối năm nhờ hoạt động kinh tế khởi sắc và thị trường bất động sản phục hồi dần cùng chính sách tín dụng thận trọng hơn.
Trích Thời Báo Ngân Hàng